Hoài Đức (Hà Nội): Người dân “tố” Điểm công nghiệp Di Trạch xả thải gây chết cá
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:01, 04/09/2019
Được biết, điểm công nghiệp Di Trạch hiện có 18 công ty hoạt động sản xuất. Do điểm công nghiệp không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các cơ sở sản xuất phải tự xử lý.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay mương T2-7 (mương Đồng Mực) nằm giữa điểm công nghiệp Di Trạch và công ty CP thực phẩm Minh Dương bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối.
Vừa qua, cá nuôi của người dân ở gần mương ô nhiễm chết hàng loạt. Người dân đã gửi kiến nghị lên UBND xã Di Trạch nhưng đến nay nguyên nhân cá chết vẫn chưa được làm rõ, khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn.
Cá nuôi của người dân cạnh mương T2-7 ô nhiễm bị chết hàng loạt.
Ngày 22/8, anh Nguyễn Đình Lộc – người dân có ao cá bị chết bức xúc: “Điểm công nghiệp Di Trạch này không có một cái bể nào xử lý nước thải cả. Mạ kiềm, mạ kẽm, bể mạ quần áo, không qua một hệ thống xử lý nào. Giờ hiện tại cây còn chết, héo úa vàng, vừa rồi cá nhà tôi chết quá nhiều, tôi đã đệ đơn lên UBND xã Di Trạch từ ngày 12/8, chụp cả ảnh gửi mà chưa thấy giải quyết cho tôi”.
Cùng ngày, trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Phạm Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Di Trạch cho biết: “Hệ thống xử lý nước thải tại điểm công nghiệp Di Trạch đến nay vẫn chưa được đầu tư xử lý. Một số doanh nghiệp trong điểm công nghiệp xả nước thải ra chưa đảm bảo ra môi trường. Chính quyền địa phương đã phối hợp với huyện, cảnh sát môi trường một số lần tiến hành kiểm tra, phát hiện lập biên bản xử lý với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp sau đó cũng cơ bản chấp hành và có biện pháp xử lý nước thải ngay tại cơ sở. Tuy nhiên, đánh giá việc xử lý này có đảm bảo hay không thì do các cơ quan chức năng kiểm tra đánh giá”.
Ông Phạm Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Di Trạch thừa nhận đến nay điểm công nghiệp Di Trạch chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp phải tự xử lý nước thải của doanh nghiệp mình
Liên quan đến việc cá nuôi của người dân bị chết, ông Mạnh cho biết mình mới đi học về, chỉ nghe báo cáo của đồng chí Vương Ngọc Thịnh – Phó chủ tịch xã Di Trạch là người dân có đơn gửi lên, để chi tiết cụ thể hơn thì phải kiểm tra và cung cấp thông tin cho PV sau.
Ngày 28/8, ông Mạnh nhắn tin qua điện thoại thông báo đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu liên quan và mời PV qua lấy. Về vấn đề cá chết, ông Mạnh chỉ cung cấp “Đơn xin rút đơn đề nghị gửi UBND xã Di Trạch ngày 12/8/2019” của anh Nguyễn Đình Lộc được làm vào ngày 26/8. Nhận thấy có nhiều nghi vấn, PV đã đề nghị được làm rõ thêm vấn đề này tuy nhiên ông Mạnh cho biết đang bận.
“Đơn xin rút đơn đề nghị gửi UBND xã Di Trạch ngày 12/8/2019” không phải do anh Nguyễn Đình Lộc viết.
PV đã liên hệ ngay với anh Lộc và được cho biết: đúng là xã Di Trạch có mời anh lên giải quyết đơn kiến nghị và làm việc với ông Vương Ngọc Thịnh – Phó chủ tịch xã, quá trình trao đổi có “nhiều cái phức tạp” nên anh mới đồng ý rút đơn với lời hứa sẽ bảo bên doanh nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, đơn này không phải do anh viết mà do một cô thư ký soạn sẵn bảo anh ký vào. Buổi làm việc không có biên bản ghi nhận gì khác.
Trước những diễn biến bất thường trên, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của UBND xã Di Trạch trong việc quản lý, kiểm tra giám sát các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, cũng như trình tự xác minh giải quyết đơn thư kiến nghị của người dân ?
Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức vào cuộc điều tra nguyên nhân cá chết khiến người dân bị thiệt hại nặng nề. Và xử lý nghiêm những doanh nghiệp có hành vi xả thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Di Trạch.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài sau.
Thế Đoàn