Báo động nhiều tỉnh thành ô nhiễm không khí hơn Hà Nội
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:30, 19/09/2019
Từ sáng 17/9, ô nhiễm lan rộng ra khắp Bắc Bộ với nhiều điểm đo thậm chí cao hơn cả Hà Nội. Đến sáng nay 18/9, tình trạng này vẫn tiếp tục. Vào 6h, các điểm đo ở thành phố Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Ứng Hòa và Phú Xuyên (Hà Nội), thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Việt Trì (Phú Thọ), thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) đều ở mức AQI từ 150 trở lên. Không khí như trên ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng nhạy cảm như trẻ con, người già, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.
Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, ô nhiễm không khí còn nghiêm trọng hơn thủ đô Hà Nội.
Tháng 6/2019, ghi nhận của hệ thống quan trắc PAMAir cũng ghi nhận tình trạng tương tự khi các huyện ngoại thành, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ô nhiễm hơn Hà Nội.
Nguyên nhân của tình trạng này được các chuyên gia môi trường nhận định là do việc đốt rơm rạ. Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra, việc đốt rơm rạ gây ra lượng phát thải lớn bụi mịn PM2.5 và nhiều chất gây ô nhiễm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí.
Điều này giải thích lý do có những điểm đo ở Nam Định, Thái Bình, chỉ số AQI lên tới hơn 200, thuộc mức ô nhiễm rất nghiêm trọng, cực kỳ không tốt cho sức khỏe theo hệ thống đánh giá AQI của Mỹ.
Cảng vụ Hàng không miền Bắc mới đây đã văn bản gửi UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và UBND các xã Thanh Xuân, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình (huyện Sóc Sơn) đề nghị ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm rạ tại khu vực lân cận Cảng hàng không.
Cùng với đó, sáng nay 18/9, chất lượng không khí ở Hà Nội thuộc nhóm vàng (Chỉ số chất lượng không khí AQI là 50-100, thuộc nhóm trung bình) và cam (Chỉ số AQI từ 100-150, không tốt cho những người nhạy cảm như trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp). So với ba ngày trước, chất lượng không khí ở Hà Nội đang có dấu hiệu cải thiện.
Lý giải về hiện tượng này, ông Lê Thanh Hải, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự báo khí tượng thủy văn, cho biết những ngày qua thời tiết miền Bắc nằm trong giai đoạn chuyển giao giữa mùa nóng và lạnh nên các khối không khí ít có sự biến động.
“Không khí không thể bốc lên cao theo hoạt động đối lưu, không có hiện tượng ngưng kết mây, gây mưa làm bớt nhiễm bẩn. Ở phương ngang thì không có gió thổi vào để di chuyển khối khí ô nhiễm đi nơi khác”, ông Hải giải thích.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng thủy văn nhận định hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí thấp. Ban đêm bức xạ nhiệt từ mặt đất phát tán vào khí quyển tạo ra lớp sương mù tầng thấp. Trong ngày không khí luôn ô nhiễm, chỉ trừ một chút vào buổi chiều mặt trời bị hun đốt nóng, tạo nên lớp không khí nóng bốc lên cao rồi tỏa ra xung quanh.
Tú Anh (T/h)