Quảng Ngãi: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt 300 tỷ đồng vẫn chưa thể vận hành
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 13:00, 01/10/2019
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng vẫn chưa thể vận hành chính thức vào ngày 30/9 theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Việc tiếp tục “trễ hẹn” đã khiến bài toán xử lý rác thải tồn đọng trên địa bàn tỉnh càng thêm nan giải.
Ông Nguyễn Tấn Pháp, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc Chi nhánh Quảng Ngãi (gọi tắt là Công ty) cho hay, việc chậm trễ này phát xuất từ nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, nhất là sự khó khăn về tài chính.
Nhiều hạng mục phải chững lại do không có vốn để thực hiện. Theo thống kê, tổng giá trị thực hiện (tính tới tháng Tám vừa qua) khoảng 181 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng mức đầu tư của Dự án; trong đó chỉ có hơn 34 tỷ đồng vốn vay ưu đãi, còn lại là vốn tự có của Công ty.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Đến nay, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ chỉ mới hoàn thành các hạng mục cơ bản như nhà xưởng phân loại và xử lý rác, nhà xưởng ủ rác, nhà bảo vệ, mương thoát nước mặt, dây chuyền phân loại và lò đốt…; một số hạng mục như nhà xưởng sản xuất phân vi sinh, nhà điều hành, nhà văn phòng, nhà điều hành trạm cân, hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy chỉ mới hoàn thành 65% khối lượng.
Các hạng mục, thiết bị như nhà xưởng sản xuất hạt nhựa, gạch không nung, nhà chứa rác nguy hại, nhà chứa vật tư, chứa phế liệu, súc rửa, thu gom nước… vẫn chưa được thực hiện.
Nhà máy cũng chỉ mới cho chạy thử nghiệm dây chuyền phân loại rác công suất 6-8 tấn/giờ và lò đốt công suất 2,5 tấn/giờ.
“Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc Chi nhánh Quảng Ngãi đang tạm ứng 6,5 tỷ của UBND tỉnh Quảng Ngãi để xử lý gần 34.000 tấn rác thải tiếp nhận tạm thời từ ngày 15/3-7/7/2018.
Công ty mong muốn được tiếp nhận nguồn rác mới trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi và các vùng lân cận làm nguyên liệu để tiếp tục vận hành chạy thử nghiệm, khối lượng tiếp nhận từ 120-150 tấn/ngày/đêm, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải tại địa phương,” ông Pháp cho biết thêm.
Trước thực trạng khó khăn trên, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc Chi nhánh Quảng Ngãi tiếp tục xin gia hạn việc đưa vào hoạt động chính thức Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ vào cuối tháng 12 tới.
Trong thời gian đó, Công ty sẽ tập trung tối đa nguồn vốn và đôn đốc các nhà thầu sản xuất, lắp đặt dây chuyền phân loại rác và lò đốt (dây chuyền 2); phấn đấu hoàn thành các hạng mục chính… để đảm bảo xử lý 100% công suất.
Trước việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc Chi nhánh Quảng Ngãi xin gia hạn tiến độ thi công Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Nghĩa Kỳ nhiều lần, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 3619/UBND-NNTN, ngày 28/6/2019 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó nêu rõ: Yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Tổng cục Môi trường để hoàn thành thủ tục xác nhận đảm bảo các điều kiện về môi trường theo quy định, đưa lò đốt thứ nhất vào vận hành chính thức để đảm bảo tiếp nhận, xử lý rác trong thời gian đến; khẩn trương triển khai thi công, lắp đặt hệ thống lò đốt thứ 2, hoàn thành, đưa lò đốt vào vận hành thử nghiệm trước ngày 1/8/2019; thi công hoàn thành các hạng mục công trình còn lại, đảm bảo Nhà máy hoạt động chính thức trước ngày 30/9/2019 nếu không sẽ rút giấy phép.
Đồng thời, yêu cầu Công ty khẩn trương triển khai thi công, lắp đặt hệ thống lò đốt thứ 2, hoàn thành, đưa lò đốt vào vận hành thử nghiệm trước ngày 1/8/2019; thi công hoàn thành các hạng mục công trình còn lại, đảm bảo Nhà máy hoạt động chính thức trước ngày 30/9 nếu không sẽ rút giấy phép.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giám sát tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
Trường hợp dự án tiếp tục chậm trễ tiến độ, khẩn trương đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Ngọc Linh (t/h)