Bình Dương – Bài 3: Ai đang tiếp tay cho công ty giấy Nam Tiến tiếp tục nâng công suất, xả thải hủy hoại môi trường?
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 09:09, 30/09/2019
VIDEO: Công ty giấy Nam Tiến gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư, người dân kêu cứu
Phê duyện nâng công suất có đúng quy định?
Theo người dân tại khu phố Khánh Bình cho biết, gần 15 năm qua họ luôn phải sống chung với ô nhiễm môi trường về bụi, khí thải, mùi hôi thối từ công ty Giấy Nam Tiến. Tưởng chừng những kiến nghị của người dân bấy lâu nay sẽ được chính quyền các cấp xem xét để yêu cầu công ty giấy Nam Tiến tìm địa điểm mới để đầu tư nâng công suất nhà máy sản xuất giấy, nhưng thực tế tỉnh Bình Dương vẫn phê duyệt cho Công ty giấy Nam Tiến nâng công suất nhà máy trước sự phản đối gay gắt của người dân.
Công ty giấy Nam Tiến bị người dân tố cáo trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn được tỉnh Bình Dương phê duyệt cho Công ty này nâng công suất nhà máy sản xuất giấy
Thực tế cho thấy, chỉ trong vòng hơn 02 tháng (từ ngày 05/4 đến ngày 13/6/2019) chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương và Sở Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận cho công ty giấy Nam Tiến mở rộng nhà máy sản xuất từ 10.000m2 lên 13.542,9m2 và phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết Nhà máy sản xuất giấy từ 7.000 tấn giấy/năm và 2.400 tấn giấy bao bì carton/năm (năm 2013) lên công suất 48.000 tấn/ năm và sản xuất giấy carton công suất 2.400 tấn/năm tại khu phố Bình Chánh Đông, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Điều đáng nói, ngày 13/6/2019 ông Nguyễn Hồng Nguyên – Phó Giám đốc sở TN&MT tỉnh Bình Dương đã ký Quyết định số 766/QĐ-STNMT về Phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết nhà máy sản xuất giấy công suất 48.000 tấn/năm và sản xuất giấy carton công suất 2.400 tấn/năm cho công ty giấy Nam Tiến tại khu phố Bình Chánh Đông, phường Khánh Bình có đúng quy định? vì khoảng cách giữa nhà máy cũng như hệ thống xử lý nước thải của công ty giấy Nam Tiến và người dân quá gần nhau, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu? Trong quá trình hoạt động, nếu xảy ra sự cố môi trường ai sẽ chịu trách nhiệm đối với người dân?
Khi PV đặt câu hỏi, việc chính quyền các cấp trước khi phê duyệt Dự án mở rộng và nâng công suất nhà máy giấy Nam Tiến có thông qua và được dân đồng tình không? Ông Lê Ninh – Trưởng khu phố Bình Chánh Đông cho biết: “Trong trình bày của đơn vị tư vấn về tham vấn cộng đồng có cả Phó chủ tịch UBND phường và Trưởng khu phố cùng người dân họp về việc mở rộng nhà máy và nâng công suất nhà máy và người dân đã phản đối không đồng ý, còn sau đó cấp trên quyết định đồng ý như thế nào tôi không biết. PV liên hệ với ủy ban cho rõ”.
Ngoài ra, trong Điều 1, mục 2 của Quyết định số 766/QĐ-STNMT ngày 13/6/2019 về yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với nhà máy của công ty giấy Nam Tiến, công ty phải xây dựng hồ sự cố nước thải, các giải pháp ứng phó sự cố đảm bảo nước thải được lưu chứa không thải ra môi trường khi có sự cố xảy ra; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động; trồng cây xanh để tạo khoảng cách cách ly an toàn về môi trường và đảm bảo đủ diện tích tất cả các yêu cầu này công ty phải hoàn thành các công trình trên trước ngày 31/8/2019. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với PV bà Nguyễn Thị Khương – Chủ tịch kiêm giám đốc công ty giấy Nam Tiến đã thừa nhận: “Những yêu cầu trong Quyết định Đề án bảo vệ môi trường đến nay công ty chưa thực hiện được”.
Bà Nguyễn Thị Khương – Chủ tịch kiêm giám đốc công ty giấy Nam Tiến thừa nhận: “Những yêu cầu trong Quyết định Đề án bảo vệ môi trường đến nay công ty chưa thực hiện được”
Theo quy định, công ty giấy Nam Tiến phải thực hiện đúng và đầy đủ các giải pháp, biện pháp, cam kết bảo vệ môi trường đã nêu trong để án, và phải hoàn thành từng công trình, biện pháp bảo vệ môi trường hoặc hoàn thành toàn bộ công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo yêu cầu tại Quyết định phê duyệt đề án chi tiết, công ty phải gửi văn bản báo cáo hoàn thành đến Sở TN&MT để kiểm tra, xác nhận, nhưng thực tế hiện nay công ty đã đưa nhà máy đi vào hoạt động khi chưa được Sở TNMT xác nhận.
Tại biên bản của đoàn kiểm tra Sở TN&MT tỉnh Bình Dương ngày 21/8/2019 đối với công ty giấy Nam Tiến cho thấy, công ty tiếp tục vi phạm khi chưa thu gom nước thải sinh hoạt và nước thải từ hệ thống xử lý khí thải lò hơi về hệ thống thu gom nước thải tập trung; đồng thời chưa hoàn chỉnh việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với hệ thống xử lý nước thải và công trình xử lý khí thải lò hơi. Tại buổi kiểm tra, đoàn đã tiến hành lấy 06 mẫu nước thải của công ty Nam Tiến để phân tích, sau khi có kết quả nếu vượt chỉ số sẽ lập biên bản xử lý công ty nghiêm theo quy định của pháp luật.
Khí thải trong quá trình sản xuất giấy không được Công ty giấy Nam Tiến xử lý mà thải thẳng ra môi trường, khiến nóc và bờ tường nhà xưởng bị phủ một lớp bụi giấy dày đặc
Ghi nhận thực tế tại Công ty giấy Nam Tiến cho thấy, nguyên liệu để sản xuất là giấy phế liệu, được chất cao như núi. Tại khu vực seo giấy tái chế hoạt động hết công suất, những ống khói đua nhau xả khói bụi ra môi trường khiến trên mái nhà xưởng phủ một lớp bụi dày đặc. Công nhân hoạt động không được trang bị bảo hộ lao động theo quy định, khu sản xuất tối tăm, thiếu ánh sáng, công tác vệ sinh công nghiệp chưa thực hiện triệt để.
Khu lưu giữ chất thải nguy hại không được công ty bố trí theo quy định, không có biển báo, không gắn mã số chất thải trên từng thùng phuy chứa chất thải nguy hại
Khu vực hệ thống xử lý nước thải với công suất 1.600m3/ ngày, được công ty xây dựng giáp nhà dân chỉ cách một bức tường, khi tiến lại gần mùi hôi thối từ các bể xử lý nước thải bốc lên nồng nặc, khiến chúng tôi cảm thấy buồn nôn, hoa mắt chóng mặt. Ngoài ra, khu lưu giữ chất thải nguy hại không được công ty bố trí theo quy định không có biển báo, không gắn mã số chất thải trên từng khu lưu giữ, bên trong các thùng phuy không có bất kì một chất thải nguy hại nào.
Lý giải vấn đề này, bà Khương thừa nhận: “Việc công ty bố trí như vậy chưa đúng theo quy định, hôm qua công ty môi trường vừa đến vận chuyển chất thải nguy hại đi xử lý. Tại buổi làm việc PV đề nghị bà Khuyên cung cấp biên bản nghiệm thu và biên bản bàn giao chất thải nguy hại nhưng bà Khuyên không cung cấp được các biên bản trên. Vậy có thực những chất thải nguy hại này được công ty giấy Nam Tiến thuê công ty thương mại dịch vụ xử lý môi trường Việt Khải vận chuyển và xử lý?
Nhiều năm xả thải không phép
Theo quy định, công ty giấy Nam Tiến chỉ được xả thải vào nguồn nước khi được Sở TN&MT cấp phép. Trên thực tế, hiện nay giấy phép xả thải của công ty đã hết hạn gần 03 năm, nhưng công ty vẫn ngày đêm xả hàng nghìn m3 nước thải ra môi trường mà cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương không hề hay biết? Điều đáng nói, ngày 21/8 vừa qua đoàn kiểm tra của Sở TNMT tỉnh đã kiểm tra công ty nhưng không phát hiện công ty đã được cấp giấy phép xả thải nước thải hay chưa.
Giấy phép xả thải của Công ty giấy Nam Tiến đã hết hạn, chưa được cơ quan chức năng gia hạn nhưng công ty vẫn vô tư xả nước thải trái phép ra môi trường từ 2017
Trong giấy phép xả thải của công ty cho thấy, ngày 22/01/2014, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đối với Doanh nghiệp TN Nam Tiến (ngày 24/3/2017 chuyển loại hình doanh nghiệp lên Công ty TNHH 1 TV Giấy Nam Tiến) với thời hạn 03 năm, theo đó ngày 22/01/2017 giấy phép xả thải hết hạn. Trong giấy phép quy định, 03 tháng trước khi giấy phép hết hạn, nếu Doanh nghiệp Nam Tiến còn tiếp tục xả thải, công ty phải làm thủ tục gia hạn giấy phép theo quy định. Nhưng thực tế hiện nay công ty đang hoạt động xả nước thải “chui” ra môi trường, vấn đề này Sở TN&MT và thị xã Tân Uyên có biết? Ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Năm 2016 Công ty giấy Nam Tiến từng bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường gần 300 triệu đồng
Liên tục các năm từ 2015, 2016 công ty giấy Nam Tiến bị Tỉnh Bình Dương xử phạt rất nặng về hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn nhiều lần so với quy định. Ngày 23/12/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định xử phạt công ty giấy Nam Tiến gần 300 triệu đồng vì hành vi xả nước thải và khí thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường.
Bà Lê Thị Hồng Gấm – Phó Trưởng phòng TN&MT thị xãTân Uyên cho biết: “Việc công ty giấy Nam Tiến hoạt động do tỉnh cấp phép nên thị xã không quản lý, đối với hồ sơ giấy tờ của công ty này chúng tôi không lưu giữ”
Trao đổi với PV moitruong.net.vn, bà Lê Thị Hồng Gấm – Phó Trưởng phòng TN&MT thị xã Tân Uyên cho biết: “Việc công ty giấy Nam Tiến hoạt động do tỉnh cấp phép nên thị xã không quản lý, đối với hồ sơ giấy tờ của công ty này chúng tôi không lưu giữ. Muốn biết cụ thể, PV qua sở TN&MT để được cung cấp”
Hoạt động nhiều năm gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân vô cùng bức xúc. nhưng không hiểu vì sao tỉnh Bình Dương vẫn phê duyệt cho công ty mở rộng và nâng công suất hoạt động. Đề nghị tỉnh Bình Dương cần xem xét lại quy hoạch, khoảng cách và hoạt động của công ty giấy Nam Tiến có đảm bảo về an toàn môi trường đối với cuộc sống của người dân hay không? và cần xử lý nghiêm và đình chỉ hành vi xả thải trái phép của công ty này?
Trách nhiệm lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng các sở ngành chức năng và thị xã Tân Uyên đến đâu?
Tòa soạn Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin tới bạn đọc.
Hải Phong – Hùng Dũng