Hà Nội: Chưa quản lý tốt nguồn gây ô nhiễm không khí
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:00, 07/10/2019
Nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội cao nhất 5 năm qua
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hiện trạng không khí ở Hà Nội từ ngày 12 đến 29/9 (18 ngày) cho biết, chỉ số bụi PM2.5 ( loại bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể người) liên tục cao hơn 50 – ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn Việt Nam năm 2013 (trung bình 24 giờ là 50, trung bình năm 25).
Cụ thể, số liệu của 13 trạm quan trắc tự động (1 trạm của Tổng cục Môi trường, 11 trạm của thành phố Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ) cho thấy, từ ngày 12 đến 17/9 chỉ số bụi PM2.5 liên tục tăng, tình trạng này tiếp diễn từ ngày 23 đến 29/9. “Đặc biệt các ngày từ 25 đến 29, tất cả các trạm đều có giá trị PM 2.5 trung bình 24h vượt quy chuẩn”, báo cáo chỉ rõ.
Kết quả quan trắc cho thấy, chỉ số chất lượng không khí tổng thể (AQI) trong trong 18 ngày trên thì chỉ có 5 ngày ở mức trung bình, còn lại đều ở mức kém (chỉ số lớn hơn 100). Từ ngày 23 đến 29/9, chỉ số AQI liên tục có xu hướng tăng (ô nhiễm) và đạt ở mức cao. “Ngày 29/9, trạm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ cho thấy chỉ số AQI đạt mức xấu (chỉ số lớn hơn 200)”.
Về thời gian không khí xấu trong ngày, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, “giá trị PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao vào đêm và sáng sớm”. Từ ngày 25 đến 30/9, ghi nhận chỉ số AQI theo giờ ở một số trạm vượt ngưỡng xấu (ngưỡng 200).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết AQI theo giờ ở mức xấu chỉ mang tính thời điểm và ở một số trạm quan trắc nhất định. Qua đối chiếu cho thấy nồng độ bụi PM2.5 giai đoạn 2013-2019 có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tháng 9/2019 nồng độ bụi này tăng mạnh so với các tháng trước đó và cao hơn cùng kỳ những năm từ 2015-2019.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, xu hướng biến đổi nồng độ bụi ở miền Bắc (trong đó có Hà Nội) phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu. “Khoảng thời gian này đang giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt. Sáng sớm gió lặng khiến việc khuếch tán các chất ô nhiễm thấp”, báo cáo trên chỉ ra và cho rằng việc đốt rơm rạ ở ngoại thành Hà Nội cũng là nguyên nhân khiến không khí ô nhiễm.
Ngoài ra, lượng mưa trung bình tháng 9/2019 thấp nhất trong 6 năm trở lại đây (nhiều ngày Hà Nội không có mưa) cũng được nhận định là một trong số những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng ô nhiễm không khí.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, trong thời gian tới chỉ số bụi PM2.5 vẫn có thể duy trì ở mức cao và khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh đường hô hấp nên hạn chế ra ngoài. Nếu có nhu cầu ra ngoài thì cần trang bị khẩu trang và kính che mắt.
Đốt rơm rạ là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí vẫn chưa được xử lý dứt điểm, Ảnh minh họa
Hà Nội chưa quản lý tốt nguồn gây ô nhiễm
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm ở Hà Nội những ngày qua là do quản lý nguồn gây ô nhiễm không tốt.
“Khí hậu chỉ là yếu tố tác động vào việc tăng hay giảm phác thải ô nhiễm trong không khí, quan trọng nhất vẫn là chúng ta có quản lý được nguồn gây ô nhiễm hay không, theo tôi Hà Nội chưa làm tốt điều này”, TS Tùng nhấn mạnh.
Theo TS Tùng, nguồn gây ô nhiễm chính ở Hà Nội là từ giao thông, các công trình đang xây dựng như nhà cao tầng, hạ tầng đường xá không đảm bảo các điều kiện được cho phép như che chắn sai quy định, tưới nước giảm bụi,…thực hiện các điều kiện rất nửa vời rồi đến từ các làng nghề sản xuất, tái chế nhôm, giấy,… các nhà máy sản xuất như xi măng, sắt thép, hóa chất,… Đốt rơm, rạ hay đốt than tổ ong trong nhân dân,…
“Riêng ở Hà Nội đã có hơn 7 triệu xe máy cá nhân trong khi chất lượng xe máy thì chưa kiểm soát được, ô tô cá nhân nhiều nhưng phương tiện giao thông công cộng lại quá ít, nhiêu liệu tiêu hao và thải ra môi trường lại đến từ các nhiên liệu hóa thạch nên gây ra tình trạng ô nhiễm không khí càng cao. Trước đây Hà Nội đã thống kê người dân đang sử dụng hơn 55.000 bếp than tổ ong qua nhiều chiến dịch bây giờ còn hơn một nửa số bếp trên. Rõ ràng đốt than tổ ong là nguồn gây ô nhiễm trong khi loại than tổ ong sử dụng chủ yếu là than cám trộn với bùn rất là rẻ mà chất lượng rất kém vì vậy bụi và khí độc thải ra rất nhiều”, TS Tùng phân tích.
TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khí ở Hà Nội là phải giảm được các nguồn gây ô nhiễm, đặc biệt là giảm nồng độ bụi PM2.5. Như ở khu vực Hà Nội cần giảm được nguồn gây ô nhiễm từ giao thông (hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện giao thông công cộng, kiểm soát chất lượng phương tiện, dùng nhiên liệu sạch, trồng cây xanh…), hạn chế bụi từ công trình xây dựng nhà cao tầng, công trình công cộng…, giảm ô nhiễm từ cơ sở sản xuất phát thải ô nhiễm ra môi trường, giảm đốt than tổ ong, vận động bà con không đốt rơm rạ, quá trình sản xuất, tái chế từ các làng nghề cần được quan tâm,…
Theo TS Hoàng Dương Tùng trong thời gian tới các cơ quan quản lý cần nâng cao trách nhiệm và có những kết quả chính xác hơn nữa và có những phản ứng nhanh, khuyến cáo cho người dân để phòng tránh kịp thời.
Tiến sĩ Tùng khuyến cáo người dân cần theo dõi kết quả quan trắc nếu nhận thấy chỉ số AQI (Chỉ số chất lượng không khí) ở mức độ cao thì cần hạn chế ra đường, nhất là với người già, trẻ em. Nếu buộc phải ra đường cần phải đeo khẩu trang hoặc áp dụng các biện pháp khác để hạn chế phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 trong không khí.
Hồng Trang (T/h)