Ukraina: Liều mạng khám phá “vùng đất chết” sau thảm họa hạt nhân
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 00:00, 05/10/2019
Sau sự cố xảy ra vào năm 1986, nhà máy điện Chernobyl (Ukraine) trở thành hiện trường của thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Vụ nổ lò phản ứng khiến một vùng rộng lớn xung quanh nhiễm phóng xạ. Toàn bộ cư dân trong khu vực phải sơ tán.
Hơn 30 năm sau thảm họa, các nhóm du khách bắt đầu đổ về thành phố Pripyat bị bỏ hoang ngay cạnh Chernobyl để trải nghiệm sự vắng vẻ của một đô thị từng đông đúc dân cư. Đồ vật họ mang theo trong hành trình là máy theo dõi bức xạ. Tiếng bíp bíp phát ra, vang vọng giữa không gian hoang tàn khiến nơi đây càng thêm ám ảnh.
Các nhà điều hành tour du lịch cho biết sự quan tâm đến nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã tăng lên kể từ khi chương trình HBO “Chernobyl” ra mắt.
Trong thời gian gần đây, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã chứng kiến sự gia tăng lớn về số lượng du khách do mọi người có xu hướng khám phá những địa điểm kỳ bí hoặc gắn liền với thảm họa. Hiện tại, những du khách gan dạ có thể được bước vào bên trong căn phòng điều khiển nơi xảy ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới qua các tour du lịch mạo hiểm.
Những người muốn tận mắt chứng kiến khu vực có nồng độ phóng xạ cao tại Lò phản ứng số 4 “khét tiếng” sẽ được cung cấp áo bảo vệ, mũ bảo hiểm và mặt nạ chống độc và chỉ được ở lại trong thời gian ngắn. Sau khi rời đi, họ sẽ phải trải qua hai bài kiểm tra chụp X quang để đo mức phơi nhiễm.
Hành vi chuẩn mực trong những chuyến “du lịch u ám” là vấn đề gây tranh cãi.
Động thái này là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Ukraine nhằm khuyến khích du lịch trong khu vực sau khi Tổng thống Volydymyr Zelensky ký sắc lệnh hồi tháng 7 chỉ định Chernobyl là một điểm thu hút khách du lịch chính thức.
Theo đó, Ukraine sẽ phát triển các tuyến du lịch mới bao gồm đường thủy, xây dựng các trạm kiểm soát mới và khôi phục hay nâng cấp các tuyến hiện có. Tổng thống Zelensky đã đưa ra thông báo tại lễ khánh thành một mái vòm kim loại mới tại Chernobyl, nơi sẽ bao bọc lò phản ứng bị phá hủy để ngăn chất phóng xạ rò rỉ ra ngoài.
Mái vòm có trọng lượng 36.000 tấn và cao 108 mét, trị giá 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) đã được thanh toán thông qua một quỹ đặc biệt của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) và được tài trợ bởi 45 quốc gia. Cấu trúc vòm này đủ mạnh để chống lại cơn bão và có tuổi thọ lên tới 100 năm, EBRD cho biết.
Trâm Anh (T/h)