Hơn 75% quốc gia ở Thái Bình Dương đang trải qua mối đe doạ thiếu nước sạch nghiêm trọng

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 01:46, 30/07/2018

(Moitruong.net.vn) – Đó là kết quả nghiên cứu chung nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương. Tổ chức này cũng cho biết rằng tại Việt Nam, hiện có khoảng 21,5% dân số đang sử dụng nguồn nước chưa qua kiểm nghiệm, xử lý.

>>>Hà Nội: Khử khuẩn nguồn nước cho người dân vùng ngập úng

Ảnh minh họa

Nghiên cứu chung nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, hơn 75% quốc gia trong khu vực này đang trải qua mối đe doạ thiếu nước sạch nghiêm trọng nếu không sớm có biện pháp cải thiện quản lý tài nguyên nước.

Đến năm 2050, ít nhất 1 trong 4 người sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước sạch (định kỳ hoặc thường xuyên). Riêng tại Việt Nam, hiện có 7,2 triệu người dân (khoảng 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước chưa qua kiểm nghiệm, xử lý.

Theo TS Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, hiện nay trong hệ sinh thái có trên 1.500 tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước đã được xác định, bao gồm nhóm chất rắn không hòa tan: Chất rắn keo, chất rắn lơ lửng không lắng được, chất rắn lơ lửng lắng được; nhóm các hợp chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học: Protein, chất béo… tổng lượng chất hữu cơ này thường đo bằng chỉ số BOD (Biochemical Oxygen Demand). Các hợp chất này tạo nên sự thiếu hụt oxy, làm mất cân bằng sinh thái trong nguồn nước, thậm chí tạo ra điều kiện kỵ khí; nhóm các loại dầu mỡ là chất lỏng khó tan trong nước, có thành phần hóa học phức tạp. Độc tính và tác động sinh thái của dầu mỡ phụ thuộc vào loại dầu và cuối cùng là tác nhân từ quá trình thải các chất độc hại (dưới dạng lỏng, rắn, khí) qua hoạt động sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giao thông… vào môi trường nước. Tất cả nguyên nhân trên đã và đang gây ra những “dòng sông chết”, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của con người.

Để góp phần bảo vệ nguồn nước, các chuyên gia cho rằng, cần điều chỉnh phân công, phân trách nhiệm, củng cố tổ chức quản lý Nhà nước về bảo vệ tài nguyên nước; xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng nước; tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường nước. Song song đó, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý và bảo vệ môi trường nước, đặc biệt đối với vấn đề xuyên biên giới; phối hợp các tổ chức quốc tế hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ tiên tiến và giải pháp không thể thiếu là nâng cao nhận thức của người sử dụng tài nguyên nước.

Theo SGGP

Theo SGGP