Nghĩa Đàn (Nghệ An): Bài 4 – Người dân thôn Đông Lâm tiếp tục “tố” trang trại TH True Milk gây ô nhiễm nghiêm trọng

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:05, 16/10/2019

Moitruong.net.vn – Tưởng như sau khi Toà soạn Moitruong.net.vn phản ánh tình trạng Trang trại bò sữa TH True Milk gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, thì tỉnh Nghệ An phải chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xử lý những bức xúc của người dân, nhưng thực tế lãnh đạo tỉnh Nghệ An không có động thái chỉ đạo nào mà còn trốn tránh báo chí.

VIDEO: Người dân tố cáo Trại bò sữa TH True Milk gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài

Toà soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn tiếp tục nhận được những lời kêu cứu của người dân xóm Đồng Lâm (xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) về tình trạng ô nhiễm môi trường của Trang trại bò sữa TH True Milk thuộc Tập đoàn TH, phóng viên Moitruong.net.vn đã tiếp tục tìm về để lắng nghe những nỗi bức xúc của người dân.

Trại bò sữa của Công ty CP thưucj phẩm sữa TH (TH True Milk) bị người dân tố cáo gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân

Đây là lần thứ 4, phóng viên trở về xóm Đông Lâm, những tưởng sau loạt bài phản ánh của toà soạn Moitruong.net.vn thì lãnh đạo Tập đoàn TH và tỉnh Nghệ An phải vào cuộc kiểm tra thực trạng ô nhiễm môi trường nơi đây. Theo người dân thì vấn đề ô nhiễm không có gì thay đổi, vẫn như xưa, bụi bặm, tiếng ồn, mùi hôi thối vẫn hiện hữu và vẫn là nỗi ám ảnh của người dân.

Gặp lại anh Huy, một người dân trong xóm Đông Lâm, anh Huy thở dài ngao ngán: “Tình hình chẳng có gì biến chuyển anh à, trái lại ô nhiễm ngày càng nặng nề hơn”.

Xe trọng tải lớn chạy tấp nập

Chúng tôi ngồi trong căn nhà nhỏ nằm sát cạnh đường giao thông 48 E, trực tiếp chứng kiến từng đoàn xe vận tải của Trang trại bò TH true Milk phóng ầm ầm, liên tục chạy qua chạy lại mà chóng cả mặt. Khổ nhất là các hộ dân sống dọc theo hai bên đường, tiếng ồn của xe cộ, bụi đất do xe chạy và tai nạn giao thông luôn rình rập.

Biết chúng tôi là nhà báo về tìm hiểu tình hình ô nhiễm môi trường do Trang trại chăn nuôi bò sữa TH True Milk gây ra. Chị Dần, một người dân gốc xóm Đông Lâm tìm đến và than thở: “Nhà tôi ở sát mặt đường, rất ô nhiễm khí bụi, xe chở phân bò đi qua hôi thối không ngửi được. Hầu như mọi người đi trên đường đều phải bịt mặt, bụi không nhìn thấy đường, anh cứ tưởng tượng khói khi nấu ăn bếp củi như thế nào thì bụi ngoài đường như thế”. Rồi giọng chị trầm xuống : “Chồng tôi mất rồi, hiện tại tôi đang sống một mình, cho nên cuộc sống rất vất vả. Sáng sớm tôi đi làm đến chiều tối về mệt chỉ muốn ngủ, nhưng nhìn cái nhà mà không thể nghỉ ngơi được. Chạm tay lên ghế mà bụi in rõ ràng cả bàn tay”.

Đường không được đổ bê tông nên nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân

Nói về tai nạn giao thông rình rập, chị Dần giật mình thon thót: “Cách đây 2 tháng xe của Tập đoàn TH đi trên đường khiến tôi đi bị ngã, đầu tôi chỉ còn cách bánh trước xe khoảng 1 gang tay, vậy mà lái xe chẳng thèm xuống nhìn xem tôi đã chết hay còn sống”.

Được biết, xe vận tải của Trang trại bò TH True Milk hoạt động 3 ca liên tục không có thời gian nghỉ. Ban đêm trẻ em không học được bài, người lớn không ngủ ngon giấc vì tiếng động cơ xe chạy rền rĩ. Đường 48 E là con đường độc đạo, chạy qua xóm Đông Lâm, nó nhỏ hẹp và xuống cấp, lượng xe vận tải rất lớn nên luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Xe phục vụ trạng trại bò TH True Milk hoạt động liên tục trong ngày

Chị Dần cho biết thêm: “Dân tình bọn tôi ở đây, ai cũng bức xúc. Có thể nói dân ở đây 100 người thì 101 người bức xúc. Nhưng cứ mỗi người bức xúc lên tiếng là con cái đang làm việc trong TH sẽ bị gây khó khăn, vùi dập vì thế nên dân phải “ngậm miệng” lại. Bức xúc đến nỗi có thể ói ra máu tươi nhưng không dám nói một lời. Thật không thể tưởng tượng hết nỗi khổ của người dân nơi đây. Bây giờ tôi chỉ mong muốn tất cả báo chí và cấp trên làm sao cho bọn tôi được tái định cư càng sớm càng tốt. Nếu còn ở lại đây lâu thì tôi không sống nổi nữa, tuổi tôi chết cũng được thỏa mãn rồi nhưng tôi phải suy nghĩ đến tương lai của con cháu. Tội con cháu thôi”.

Phân bò được Traị bò TH True Milk đổ lộ thiên ngoài môi trường nên khi mưa là chảy hết xuống khu vực của nhà dân

Một người dân trong xóm bức xúc: “Khi trang trại bò TH True Milk về đây, thấy công nhân nhiều người không có chỗ ở, tôi đã vay vốn hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê. Công nhân đến ở được mấy tháng, nhưng vì ô nhiễm quá, họ không ở được, chuyển đi thuê chỗ khác. Hậu quả là tôi ôm một đống nợ ngân hàng chưa biết đến lúc nào mới trả được”.

Chị H cũng là dân sinh sống tại xóm Đông Lâm cho rằng: “Do người dân sinh sống tập trung ở đây dưới thung lũng chân đồi, nhà máy phân cao hơn, trại bò cũng cao hơn nhà dân cho nên những chất bẩn cũng chảy xuống chỗ trũng dân lãnh hậu quả cả”.

Phóng viên Moitruong.net.vn tiếp cận nhà kho chứa phân của Trại bò TH True Milk để ghi nhận thực tế, khu vực này rất hôi thối khiến PV khó thở, hoa mắt, chóng mặt

Được chị H chỉ đường, chúng tôi vượt qua mấy ruộng mía rồi leo đến một quả đồi rộng mênh mông để “mục sở thị” nhà máy phân của Trại bò TH True Milk. Đây quả là một cái nhà kho chứa một lượng phân bò khổng lồ, là nơi tập trung phân bò của trang trại thải ra, và chỉ cách nhà dân 200 trăm mét. Một mùi hôi thối xông lên nồng nặc, ruồi nhặng bay vo ve khắp nơi. Điều đáng nói là nơi tập kết phân không có tường bao che chắn rất mất vệ sinh, mỗi khi mưa, nước phân từ trên cao chảy xuống ngấm vào đất khiến nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhà kho chứa phân bò khổng lồ của trang trại TH True Milk thải ra, và chỉ cách nhà dân 200 trăm mét

Người dân xóm Đông Lâm khẳng định: “Ngày xưa chưa có TH, cả làng này ăn uống sinh hoạt nước giếng đào bao nhiêu năm không thấy bệnh tật gì hết. Đến bây giờ nhà ai nhà nấy đều phải khoan giếng để dùng và phải mua thêm máy lọc nước, nhưng lõi lọc chỉ dùng được khoảng hơn 20 ngày là có hiện tượng tắc rồi, theo quy định thì mỗi lõi lọc này phải dùng dược 6 tháng.

Tại sao người dân chưa được tái định cư?

Theo người dân cho biết, trước khi Tập đoàn TH về xây dựng Trnag trại bò sữa TH True Milk họ hữa sẽ nhanh chóng đền bù và tái định cư cho những gia đình bị thu hồi đất, nhưng thực tế còn nhiều gia đình từ năm 2014 đến nay vẫn chưa được bố trí tái định cư mà vẫn phải sống tại những ngôi nhà xuống cấp và thường xuyên chịu dựng sự tra tấn bằng mùi hôi thối, ô nhiễm từ trang trại bò TH True Milk. Người dân nơi đây đang xôn xao đặt nghi vấn, phải chăng Tập đoàn TH tài chính đang “có vấn đề”, không còn tiền để đền bù tái định cư cho người dân?

Chị Nguyễn Thị Dần nhớ lại: Nói về việc hứa với dân thì trước khi lấy đất, TH có hứa với dân là cho tất cả các cháu thanh niên vô TH làm việc. Về gia đình tôi, đất của tôi hơn 1ha trước đây trồng cam, năm đó dự định phá cam để trồng những cây ngắn ngày tăng thu nhập. Vừa phá cam đầu năm thì cuối năm TH lấy đất. Đất của tôi 1,43 ha(đất nông trường) nhưng chỉ được đền bù có 190triệu, giá quá bèo bọt.

Cùng tâm trạng với chị Dần, chị H bức xúc không kém: “TH họ hứa nhiều lắm anh ạ, họ có hứa với dân là lấy đất xong sẽ hỗ trợ cho dân thỏa đáng, xây dựng khu tái định cư, thích đất thì đổi đất hoặc lấy tiền đều được. Có bà trong xóm nhà em năm đó khóc xin các cán bộ lãnh đạo cho nhà bà ăn tết ở đây 1 năm nữa để gặp mặt với bà con rồi ra năm chia tay. Ấy vậy mà bà ấy sống tiếp nhiều năm, giờ bà ấy chết, mộ bà đã xanh cỏ rồi mà dân vẫn chưa được dời đi. Nói như vậy để anh hiểu nỗi thống khổ của bọn em đã trải qua bao nhiêu năm rồi. Kể từ tháng 6 năm 2012, khi TH thực hiện các bước thu hồi đất, kiểm kê đất đai tài sản trên đất chốt sổ xong rồi nên không ai được cơi nới sửa sang nhà cửa nữa. Bây giờ bọn em mưa dột cũng không dám đội cái ngói mới lên. Vì việc làm sửa sang lại TH không đền, cho nên bây giờ nhiều nhà sập xệ, tường lở cũng không dám sửa. Mà thực ra cũng không có tiền để sửa bởi vì có được đồng nào thì cũng đem đi chữa bệnh hết. Ngày xưa có bệnh tật gì đâu, bây giờ đi siêu âm nhà nhà người người phát hiện nào là ho hen, xuyễn, đen phổi, nhám phổi, thực quản, tuyến giáp… Có người ho như lao, ho quanh năm suốt tháng, ngày xưa dân ở đây đi làm về khỏe như trâu bây giờ đi ra đường ko đeo khẩu trang cái là ho, ho mấy ngày rồi lại tiền thuốc thang. Thử hỏi tiền đâu mà sửa sang nhà cửa?”

Các căn nhà trọ của dân giờ đây đều bỏ hoang không có người ở vì ô nhiễm do Trại bò TH True Milk gây ra

Được biết, trước những việc ô nhiễm trầm trọng như vậy thì người dân ở xóm Đông Lâm cũng đã có những động thái, ý kiến, để phản ánh yêu cầu chính quyền và tập đoàn TH phải vào cuộc giải quyết quyền lợi cho dân. Chị Dần chia sẻ : “Hai, ba năm nay, dân bọn tôi cũng làm 2 lần đơn gửi lên xã rồi, dân cũng chán rồi. Năm ngoái có làm đơn gửi cho xóm trưởng và xóm trưởng bỏ đơn đó ở đâu, bọn tôi cũng không biết. Dân chúng tôi mất lòng tin rồi”.

Còn chị H thì khẳng định : “ Tại cuộc họp tiếp xúc cử tri giữa HĐND xã và ông Lê Hồng Sơn (chủ tịch huyện Nghĩa Đàn) có phát biểu: “tôi cũng thương dân lắm nhưng bây giờ tôi cũng ko giúp được gì. Ông Sơn hứa 24/24 sẽ trực điện thoại về những búc xúc của dân”. Nhưng dân bọn em gọi có bao giờ ông nghe máy đâu, ông Sơn không trực tiếp ở với dân thì làm sao hiểu được nỗi khổ của dân. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Vinh chủ tịch xã Nghĩa Lâm cũng nói “thương dân lắm, cũng kêu với Tập đoàn TH, thì Tập đoàn TH trả lời do chưa có quỹ đất nên chưa tái định cư được”. Nói thật với nhà báo bây giờ dân bọn tôi cũng ko cần đất nữa, chỉ cần tiền thôi, bọn tôi cầm tiền tự đi mua đất cũng được. Nguyện vọng của dân chúng tôi là được sớm tái định cư vì quá ô nhiễm, nếu có đất ở thì tốt, không thì trả dân tiền để dân tự đi tìm đất sinh sống”.

Mang theo những gì người dân thôn Đông Lâm phản ánh, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc nhắn tin với ông Lê Hồng Sơn, chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn để hỏi quan điểm của chủ tịch về vấn đề giải quyết ô nhiễm do Tập đoàn TH gây ra cho địa phương xã Nghĩa Lâm như thế nào, vấn đề tái định cư xóm Đông Lâm đã và đang thực hiện tới đâu nhưng ông bảo đang bận và không thể trả lời được.

Thực trạng vấn đề ô nhiễm ở thôn Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm đã quá rõ ràng, người dân nơi đây chịu khổ rất nhiều rồi, nguyện vọng được tái định cư của người dân là chính đáng. Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, và các cấp Bộ ngành có liên quan cần sớm vào cuộc giải quyết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho chính đáng cho người dân địa phương.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Kế Hùng

Kế Hùng