Hiểm họa rác thải nhựa
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:30, 21/10/2019
Với đặc điểm thời gian cần hủy lâu, tồn tại trong môi trường từ hàng trăm đến hàng nghìn năm, ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa (RTN) đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu.
Hiểm họa mang tính toàn cầu
Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải đại dương, chiếm tỉ lệ lớn trong đó là RTN. Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “RTN là hiểm họa mang tính toàn cầu đối với môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe cũng như sinh kế của người dân”.
Theo ông Vũ Sỹ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, gần đây, tình trạng ô nhiễm RTN đại dương có xu hướng gia tăng mạnh và đáng báo động và đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu. Nhiều kết quả nghiên cứu quốc tế cho thấy, chỉ riêng trong năm 2010, ước tính trên 8 triệu tấn rác nhựa đã thải ra đại dương; khoảng 79.000 tấn RTN đang trôi nổi trên một diện tích gần 1,6 triệu km2 tại vùng biển Thái Bình Dương; 80% RTN có nguồn gốc lục địa, thải ra biển từ các dòng sông và 20% còn lại là do các hoạt động trên biển.
Cũng theo ông Tuấn, Sông Mê Kông là 1 trong 10 con sông có tải lượng RTN lớn nhất thế giới. Hơn 50% tổng lượng RTN ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực biển Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam xả 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường mỗi năm
Theo báo cáo của một số tổ chức quốc tế, ở Việt Nam, túi ni lông được tiêu thụ nhiều, với mức sử dụng trung bình là 35 túi/gia đình/tuần. Mỗi ngày, hàng chục triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường, nhưng chỉ có 27% trong số đó được thu gom, xử lý và tái chế. Như vậy, một lượng lớn RTN bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.
Bên cạnh đó, việc thải bỏ hoặc làm mất ngư cụ trong hoạt động khai thác thủy sản, thải bỏ RTN trong các hoạt động kinh tế – xã hội khác diễn ra trên biển cũng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Thực tế trong thời gian qua, việc quản lý RTN tại các hải đảo, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Kết quả số liệu thu thập từ chương trình giám sát RTN bãi biển tại Việt Nam được thực hiện vào cuối năm 2018 cho thấy, rác thải từ xốp chiếm nhiều nhất, tính cả về số lượng cũng như khối lượng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu trung bình 10% khối lượng RTN và túi ni lông không được tái sử dụng hoặc thải bỏ hoàn toàn thì lượng RTN và túi ni lông thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn mỗi năm.
Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả RTN nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm và đứng thứ 4 trên thế giới về lượng RTN ra biển với khoảng 0,28 triệu tấn mỗi năm. Chỉ số tiêu dùng nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/năm/người (1990) lên 41,3kg/ năm/người. Nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng lên theo cấp số nhân, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn. Tỉ lệ nhựa được tái chế là 27%.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chỉ tính riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và ni lông.
Quản lý rác thải nhựa như thế nào?
Trên thế giới đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau nhằm giảm thiểu RTN đại dương từ việc hoàn thiện cơ chế chính sách đến các dự án thu gom xử lý RTN cụ thể với sự tham gia sâu rộng của các tổ chức quốc tế, chính phủ, phi chính phủ khối tư nhân.
Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động phong trào “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”. Không chỉ cam kết chính trị, nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường xử lý, tái sử dụng và tái chế RTN. Việt Nam cũng đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động quản lý, giảm RTN, trong đó có RTN đại dương.
Ở Việt Nam, RTN mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế, chưa có cơ chế chính sách cụ thể để quản lý, thu gom và xử lý khiến cho việc quản lý RTN đang gặp nhiều thách thức.
Bàn về việc giảm thiểu RTN, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ cho biết, trước hết, cần làm tốt công tác quản lý nguồn RTN. Để làm được điều đó cần có đánh giá cụ thể về số liệu. “Vấn đề thu thập số liệu về RTN ở Việt Nam là cần thiết để xây dựng kế hoạch hành động, đánh giá hiệu quả của các chương trình hành động giảm thiểu RTN tại Việt Nam” – Ông Lê Anh Tuấn nói.
Còn theo ông Khải, cần xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia, cốt lõi là nâng cao khoa học công nghệ để xử lý RTN, bởi đây là vấn đề toàn cầu. Đặc biệt, giải quyết RTN ở Việt Nam là câu chuyện lớn, không thể giải quyết đơn lẻ bởi riêng cơ quan, ban, ngành nào.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Hương, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “RTN là một loại tài nguyên quý giá khi biết tái chế và sử dụng nó”. Tuy nhiên, theo bà Hương, việc tái chế RTN không nên được thực hiện ở quy mô làng nghề vì cơ chế kiểm soát rất khó khăn. Nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường, gây độc hại cho chính những người lao động ở các làng nghề này cũng như người dân địa phương. Bà Hương cho rằng, cần tập trung khuyến khích các hoạt động tái chế RTN để đảm bảo các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm nhưng phải đảm bảo môi trường.
Theo báo Biên phòng