Thanh Trì – Tp. Hà Nội: Người dân phải dùng nguồn nước nhiễm độc hơn 2 năm qua

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:35, 04/09/2018

Từ nhiều năm nay, người dân xã Ngọc Hồi đang phải sử dụng nguồn nước chứa hàm lượng độc tố Asen cao gấp 6 lần theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế để làm nước sinh hoạt mà không hề hay biết.

(Moitruong.net.vn) – Hơn hai năm nay, trên 4000 hộ dân sinh sống tại xã Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) phải sử dụng nguồn nước bẩn được cung cấp bởi trạm cấp nước Yên Kiện. Nguồn nước nhiễm Asen gấp 6 lần được vận chuyển đến người dân thông qua những ống nước rỉ sét, mọc đầy rêu. Sức khỏe, tính mạng của người dân đang bị đe dọa hàng ngày, thế nhưng chính quyền nơi đây lại đang rất bàng quan với vấn đề này.  

>> Huyện Phú Xuyên, Hà Nội: Nhà máy chậm tiến độ, dân phải dùng nước ngầm ô nhiễm

>> Kiên Giang: Bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch

“Nước ở đây bẩn lắm, tất cả người dân ở đây đều phải mua máy lọc nước để lọc lấy nước nước sinh hoạt hằng ngày, không dám sử dụng nước trực tiếp, nếu cứ dùng trực tiếp thì nguồn nước sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Do nguồn nước bẩn quá nên các cục lọc thường xuyên bị tắc, trung bình cứ 1,5 – 2 tháng là phải thay lõi lọc một lần. Nếu không thay lõi lọc thì sẽ không có nước ra để ăn đâu” bà Nguyễn Văn Bình, 72 tuổi, người dân đội 5, thôn Yên Kiện, xã Ngọc Hồi chia sẻ.

Lõi lọc nước của gia đình bà Bình mới sử dụng được 1 tháng nhưng đã đen sì. Ảnh Phương Thảo

Để lý giải vấn đề nước sinh hoạt của người dân nhiễm Asen, ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân. Phóng viên Môi trường và Cuộc sống(Moitruong.net.vn) đã có buổi làm việc với UBND xã Ngọc Hồi và quản lý trạm cấp nước Yên Kiện. Theo kết quả xét nghiệm lý hóa (kèm theo báo cáo số 1089 BC-TTYT ngày 17/4/2018) của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội về chất lượng nước trên địa bàn huyện Thanh Trì cho thấy: Trạm cấp nước Yên Kiện có chỉ số Amoni cao gấp gần 5 lần mức cho phép (14,72mg/l so với <3mg/l) và Asen vượt gần 6 lần mức cho phép (0,057mg/l so với 0,01mg/l).

Cũng trong buổi làm việc, khi PV đề nghị ông Nguyễn Văn Kiền – Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi cung cấp hồ sơ liên quan đến vấn đề nước sinh hoạt cung cấp cho người dân không đạt chất lượng, thì ông Kiền nói: “Khi có đoàn về thanh tra, kiểm tra nhà máy nước, xã cũng chỉ là thành phần đi cùng, nên các biên bản thanh, kiểm tra thì đoàn công tác giữ hết nên xã không có giấy tờ hay báo cáo gì cả. Chúng tôi đã thường xuyên nhắc nhở ông Vinh (Trạm trưởng Trạm cấp nước Yên Kiện – PV) trong công tác vệ sinh môi trường tại trạm cấp nước. Còn vấn đề xử lí nước thế nào thì không phải chuyên môn của xã.”

Ông Nguyễn Văn Kiền – Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội (Ảnh Phương Thảo)

Thế nhưng, khi tác nghiệp tại hiện trường, PV Môi trường và Cuộc sống (Moitruong.net.vn) ghi nhận, các ống dẫn nước rỉ sét, mọc đầy rêu phong, các vòi tiếp nước không đảm bảo, bị rò rỉ rất nhiều, cỏ dại mọc xung quanh trạm. Trạm cấp nước của xã trở thành nơi trưng dụng, dùng để chứa gỗ và máy xúc. Không rõ, xã  quản lý như thế nào khi để tình trạng này diễn ra, hay chỉ tiến hành “nhắc nhở” rồi để đó?

Cận cảnh ống dẫn nước rỉ sét, mọc đầy rêu phong ở trạm cấp nước Yên Kiện (Ảnh Phương Thảo)

Sân của trạm cấp nước được trưng dụng làm nơi để máy xúc. Ảnh Phương Thảo

Ngoài ra, các giấy kiểm tra xét nghiệm về nguồn nước tại trạm Yên Kiên, ông Vinh cũng không cung cấp đầy đủ, thiếu giấy tờ nội kiểm hàng quý và các giấy kiểm tra khác của cơ quan chức năng.

Khi chúng tôi thắc mắc về chất lượng nước và hỏi tại sao không có hướng khắc phục, ông Trần Văn Vinh – Trạm trưởng Trạm cấp nước Yên Kiện giải thích một cách chung chung: Đã có khắc phục, làm thêm dàn phơi, đường ống để thay cát, đưa than hoạt tính vào để lọc. Nhưng Asen chỉ có thể giảm bớt chứ không thể hết!

Ông Trần Văn Vinh, quản lý trạm cấp nước Yên Kiện (Ảnh Phương Thảo)

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Kiền – Chủ tịch xã cũng thừa nhận: “Asen có cao, nhưng cách khắc phục quá khó. Chúng tôi biết nhưng không làm gì được, tình trạng nhiễm asen diễn ra từ 2 – 3 năm nay rồi. Hiện tại, thì chỉ có thể cho thêm than hoạt tính vào để giảm bớt hàm lượng độc tố. Thực sự hiện tại rất khó cho địa phương vì dự kiến đến tháng 6/2019 nguồn nước Sông Đà sẽ được cung cấp cho người dân. Mà bây giờ đầu tư thì chi phí thì rất lớn”.

Vậy là, trong gần một năm tiếp theo hơn 13.000 người dân tại xã Ngọc Hồi sẽ phải tiếp tục dùng nguồn nước độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng cho đến khi được cung cấp nước sạch hay sao ?

Thiết nghĩ, trước sức khỏe và tính mạng của người dân xã Ngọc Hồi, các cơ quan chức năng của UBND huyện Thanh Trì và Tp. Hà Nội cần có những biện pháp khắc phục, sớm chấm dứt tình trạng này để người dân yên tâm sinh sống, an cư lạc nghiệp.

PV Môi trường và Cuộc sống(Moitruong.net.vn) sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Phương Thảo – Thanh Tâm

.

Phương Thảo – Thanh Tâm