TP. Hồ Chí Minh: Mỗi năm có hơn 150 ngày ô nhiễm vượt quy chuẩn

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:30, 27/11/2019

Moitruong.net.vn – Chuyên gia khí tượng cho biết, ô nhiễm không khí tại thành phố Hồ Chí Minh đang ‘quá sức’ vì một năm có hơn 150 ngày ô nhiễm.

Nhiều ngày qua, tại TP.HCM liên tục xuất hiện lớp mù trắng đục, đặc kín bao trùm. Các cao ốc tại khu vực trung tâm quận 1, 3, 2, Bình Thạnh… chìm trong lớp mù dày.

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan: Về mặt khí tượng có hai từ chuyên môn thường dùng là sương mù hoặc mù khô. Sương mù được tạo ra do lượng ẩm trong không khí cao hoặc vào ban đêm nhiệt độ giảm.

Còn những nơi không có mưa, liên tục trong nhiều ngày thì đó chính là mù khô. Mù này được tạo ra do ô nhiễm không khí chứ không phải do hạt sương.

Khu trung tâm TP.HCM mù mịt do ô nhiễm không khí

Do đó, hiện tượng mù quang hóa chính là mù khô nhưng thêm hiện tượng quang học khiến tầm nhìn giảm.

Như vậy, những ngày qua trên địa bàn TP.HCM có mưa rất ít, độ ẩm giảm rõ rệt. Do đó, hiện tượng chúng ta nhìn thấy chính là mù khô.

Hiện tượng ô nhiễm không khí ở TP.HCM ngày càng gia tăng và gần như rất thường xuyên. Vì sao có hiện tượng đó? Ngày xưa làm gì có. Ngày xưa mình nghe sương mù thì như đang lên Đà Lạt. Còn bây giờ, ở TP.HCM, quanh năm tôi theo dõi thì lúc có, lúc không nhưng ít nhất hơn 150 ngày có rồi. Nguyên nhân vì sao có, là do mức độ ô nhiễm ‘quá sức’.

Để biết chất ô nhiễm này từ đâu ra thì quá dễ dàng bởi TP.HCM là thành phố lớn, các hoạt động giao thông phát sinh khí thải, các công trình xây dựng, hoạt động tại các khu công nghiệp.

Trong bầu không khí tầng thấp lên vài chục mét, 100m chứa rất nhiều chất lơ lửng, ô nhiễm không khí nên hiện tượng này xảy ra hầu như khắp nơi và thường xuyên.

Những nơi có điều kiện thuận lợi như nhiều ao hồ, mặt nước kênh rạch, tình trạng mù nặng hơn do có nhiều độ ẩm. Chẳng hạn như tòa nhà Landmark 81 thường xuyên bị mù che khuất vì gần sông Sài Gòn.

Chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe rồi. Bụi ô nhiễm có thành phần nhiều thứ lắm. Trong đó bao gồm khí, các chất kim loại nặng cũng xuất hiện trong chất lơ lửng. Đặc biệt là bụi mịn, bụi mà chúng ta không thể quan sát được bằng mắt như bụi pm10 và bụi pm2.5. Trong đó, bụi pm2.5 đường kính hạt bụi chỉ có 2,5 µm (viết tắt của micromet).

Như vậy, bụi mịn này sẽ đi sâu vào cơ thể người qua đường hô hấp. Sau khi, bụi qua cuống phổi, đường thở để vào tận phổi. Do đó, đầu tiên là ảnh hưởng đến đường hô hấp, bên cạnh đó là mắt, da…

Theo chuyên gia khí tượng, ô nhiễm không khí ở TP.HCM đang xảy ra khá thường xuyên

Bà Lan cho biết thêm, hiện nay, các trang Web dự báo khí tượng của Mỹ, Canada đều có thông tin đo nồng độ bụi. Tại sao có được là do trong quá trình quan trắc khí tượng người ta tính được.

Hiện nay, quan trắc không khí tại TP.HCM do Sở Tài nguyên và Môi trường và có cả Sở Khoa học Công nghệ tham gia.

Tuy nhiên, với một TP lớn như TP.HCM nhưng theo tôi số lượng trạm quan trắc quá mỏng. Ở các nước tiên tiến Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch… thì ngay trên các tuyến đường người ta đặt những thiết bị tại các trụ điện, các vị trí dễ đặt để quan trắc để đo nồng độ chất lơ lửng nhất là pm.10, pm2.5,

Do đó, TP cần lắp đặt thêm rất nhiều, đặc biệt các khu vực có khu công nghiệp, các tuyến đường đông xe cộ qua lại, khu dân cư đông đúc để có thể thu thập chi tiết dữ liệu nhằm cảnh báo đến người dân.

Đặc biệt, cần xây dựng app của Việt Nam để cập nhật thường xuyên, liên tục các thông tin chỉ số về mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước và những vấn đề liên quan đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Minh Huyền (T/h)

Minh Huyền (T/h)