Rác thải nhựa của chúng ta đi đâu?
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 09:00, 26/11/2019
Hàng trăm ngàn tấn chất thải nhựa Mỹ đã được chuyển đi bằng tàu biển tới các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu cho một quá trình tái chế đòi hỏi nhiều nhân công thiếu an toàn, có thể dẫn đến các vấn đề về y tế công cộng và môi trường khủng khiếp. Năm 2018, ước tính có 68.000 container như vậy được xuất khẩu từ Mỹ.
Chính điều đó đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chất thải nhựa đang không ngừng tăng lên – một loại vật liệu có mặt trong nhiều loại thiết bị, vật dụng như bàn chải đánh răng đến mũ của các phi hành gia vũ trụ và được tìm thấy với số lượng lớn trong các đại dương và cả hệ tiêu hóa của con người.
Ảnh minh họa
Vào tháng trước, 187 quốc gia đã ký một hiệp ước trao quyền cho các quốc gia từ chối nhập khẩu chất thải hoặc chất thải nhựa khó tái chế. Chỉ một vài quốc gia không ký, trong đó có Mỹ.
Từ thực tế trên, một số quốc gia đang phát triển công nghệ biến rác thải nhựa thành điện. Tuy nhiên, muốn biến rác thải nhựa thành điện thì rác thải nhựa phải được đốt ở nhiệt độ 400-700 độ C mới tạo ra điện. Nhưng ở nhiệt độ này, rác thải nhựa cũng sản sinh ra rất nhiều chất độc gây hại tới bầu khí quyển và sức khỏe con người.
Hiện trên thế giới, nước có khả năng tái chế và nhập khẩu rác thải nhựa nhiều nhất là Trung Quốc. Nhưng với chính sách môi trường của Trung Quốc hiện nay, họ lại cấm hoàn toàn việc nhập khẩu rác thải nhựa. Ấn Độ, Malaysia cũng đã chấm dứt việc nhập khẩu rác thải nhựa, tiếp tới là Việt Nam cũng vậy. Vậy rác thải nhựa sẽ đi đâu?
Trong nhiều năm qua bao bì thực phẩm và đồ uống thường sử dụng chất liệu nhựa, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường. Để hạn chế rác thải nhựa thì các doanh nghiệp trong ngành này cần thay đổi cách đóng gói, bao bì để phát triển bền vững hơn.
Minh Anh (t/h)