An Giang: Tiêu hủy lợn chưa đúng cách nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 07:31, 26/11/2019
Ngày 25-10-2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ở khu vực biên giới từ Cambodia vào Việt Nam, từ tháng 10 đến ngày 19-11, các đoàn kiểm tra đã phát hiện bắt giữ 16 vụ vận chuyển lợn trái phép từ Cambodia vào Việt Nam. Trong đó, địa bàn huyện An Phú đang là điểm nóng nhất với 14 vụ vận chuyển lợn lậu bị bắt giữ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tổng số lợn nhập lậu bị tiêu hủy là 400 con với tổng trọng lượng hơn 28 tấn. Qua làm việc với những đối tượng buôn lậu lợn, họ đều khai số lợn này nhập lậu từ Cambodia vận chuyển vào An Giang do giá lợn trong tỉnh An Giang thời gian gần đây một kg giá cao hơn 8.000 đồng đến 13.000 đồng so giá lợn ở Cambodia. Trong số lợn bị bắt nhập lậu, có lợn từ Thái Lan quá cảnh vào Cambodia sau đó tuồn qua biên giới đưa vào tỉnh An Giang.
Ảnh minh họa
Việc các ban ngành phối hợp ngăn chặn tuồn lợn vào An Giang trong lúc dịch tả lợn châu Phi vẫn âm ỉ là điều đáng ghi nhận nhưng việc tiêu hủy lợn nhập lậu chưa đúng quy cách đã tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Khi tiêu hủy số lợn từ hai vụ nhập lậu này, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú đưa toàn bộ số lợn vào hố tiêu hủy nhưng không phủ bạt nylon lại. Đoàn chỉ rải ít vôi bột trong hố rồi cho lắp đất lại. Vài vụ tiêu hủy lợn trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú cũng làm theo cách này nên dấy lên vấn đề lo ngại ô nhiễm môi trường.
Hố chôn heo mắc bệnh được chọn theo hướng dẫn của Phòng Tài nguyên và Môi trường; phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích. Nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn trái hoặc lấy gỗ). Hố được chọn ưu tiên tại khu đất của hộ nuôi có heo mắc bệnh. Kích cỡ phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn. Ví dụ, nếu cần chôn 1 tấn động vật thì hố chôn cần có kích thước: sâu 1,5-2m, rộng 1,5-2m, dài 1,5-2m. Hố chôn phải được đào xong và lực lượng tham gia đào hố phải di chuyển trước khi vận chuyển heo đến tiêu hủy. Nếu hố chôn chọn tại hộ nuôi có ổ dịch thì lực lượng tham gia đào hố phải bố trí hướng đi vào và ra sao cho không đi ngang hoặc gần khu vực chuồng nuôi có heo bị bệnh. Khi đào xong hố, trước khi di chuyển ra ngoài, lực lượng đào hố phải được vệ sinh, tiêu độc kỹ nhằm đảm bảo không mang mầm bệnh ra ngoài.
Trong trường hợp lực lượng tham gia đào hố bắt buộc phải đi qua chuồng nuôi hoặc nhận thấy cần thiết, lực lượng tham gia đào hố phải bắt buộc mặc bảo hộ và xử lý bảo hộ trước khi ra ngoài. Hố được lót bạt ny-lon và rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 1kg vôi/m2. Khi đưa toàn bộ số heo bệnh vào hố xong, tiến hành rải một lớp vôi bột lên bề mặt theo tỷ lệ khoảng 1kg vôi /m2, phun thuốc sát trùng, phủ bạt ny-lon lại, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao chứa phải dày ít nhất là 1m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn.
Tỉnh, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động tìm kiếm các vị trí đất và tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tăng cường kiểm tra, quản lý, theo dõi chặt chẽ các hố chôn lợn, kịp thời xử lý hiện tượng sụt lún, sự cố môi trường… Hố chôn phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn. Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại UBND xã, phường, thị trấn.
Minh Anh (T/h)