Ấn Độ: Khủng hoảng nước sạch ở New Delhib gây ra hậu quả khó lường
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 01:45, 29/08/2018
(Moitruong.net.vn) – Một báo cáo gần đây của Chính phủ cho thấy, một số thành phố lớn ở Ấn Độ, trong đó có New Delhi, có thể cạn kiệt nguồn nước ngầm ngay từ năm 2020. Đối với nhiều người dân ở thành phố 29 triệu dân này, cuộc khủng hoảng về nước sạch đã gây xáo trộn cho cuộc sống hàng ngày, thậm chí dẫn đến chết người.
>>> Nam Định: Bộ GTVT công bố vùng nước cảng biển
Ấn Độ đã chứng kiến mức tăng trung bình 0,5 độ C trong 50 năm qua, khiến số lượng các đợt nắng nóng tăng 150% và mỗi đợt lại dẫn đến ít nhất 100 ca tử vong. Mùa hè năm 2015 là một trong những năm nóng kinh hoàng trong lịch sử Nam Á, khiến khoảng 3.500 người ở Pakistan và Ấn Độ tử vong. Chưa kể, dự báo cuối thế kỷ này, nền nhiệt độ tại đây sẽ tăng trung bình 2,2 – 5,5 độ C, khi đó hàng trăm triệu người sẽ bị đe dọa mạng sống khi những đợt nắng nóng, thời tiết cực đoan trở nên phức tạp hơn.
Đổ máu, mất mạng vì tranh giành nước sạch
Tăng trưởng dân số, biến đổi khí hậu, tranh chấp tài nguyên, đô thị hóa và quản lý kém tài nguyên đã khiến cuộc khủng hoảng nước ở New Delhi ngày càng nghiêm trọng. Người dân New Delhi nhiều hôm phải chịu cảnh nắng nóng tới 45 độ C mà rơi vào cảnh mất nước sạch. Nguyên nhân chủ yếu do, hệ thống cấp nước sạch ở đây tới hơn 40% bị hao hụt do rò rỉ và trộm cắp, cùng với những yếu kém trong việc quản lý.
Vào khoảng 4h chiều một ngày oi nóng, nhiệt độ khoảng 36 độ C, tại làng Wazirpur, ngoại ô Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, một nhóm khoảng 30 phụ nữ xếp hàng cùng với một loạt xô, thùng, chai nhựa – bất cứ thứ gì họ có thể chứa nước khi xe téc chở nước sạch của chính quyền được điều đến. “Chúng tôi đã chờ ở đây từ 10h sáng. Không biết xe đến khi nào nên ngày nào chúng tôi cũng phải chầu chực”, bà Gudi, 55 tuổi nói.
Anh Vikramjit Singh Rooprai, một nhà hoạt động xã hội về di sản kể, khu cư dân của anh ở Tilak Nagar, các hộ chỉ được cấp nước trong khoảng thời gian rất ngắn vào sáng sớm và buổi tối. Nước thì bẩn và đôi khi lẫn với nước thải, người nào không bật máy bơm đúng giờ thì đành ngậm ngùi chờ cơ hội tiếp theo. Thấm thía thực tế khắc nghiệt khi thiếu nước sạch, người đàn ông năm nay 34 tuổi này đã từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm cách đây 3 năm để cống hiến cho công tác bảo tồn các hệ thống nước trong lịch sử của Delhi.
Chuyện tranh giành nguồn cung cấp nước đôi khi còn dẫn đến đổ máu, mất mạng. Tại Wazirpur hồi tháng 3-2018, một người đàn ông 60 tuổi đã chết vì đau tim sau khi bị người khác dùng tuýp nước đánh đập khi giành lấy nước từ xe chở nước. Con trai ông này sau đó cũng qua đời do chấn thương của trận ẩu đả đó. “Gia đình chúng tôi đã ở đây 30-40 năm, nhưng chưa bao giờ tưởng tượng ai đó sẽ chết vì nước. Bây giờ hai người trong gia đình chúng tôi đã ra đi mãi mãi. Điều này đã trở thành bình thường. Hôm nay xảy ra với chúng tôi, ngày mai nó sẽ xảy đến với người khác”, người con trai còn lại trong gia đình nói.
Quy hoạch lịch sử bị xem thường
Trớ trêu là sau thời gian tranh giành nước sạch mùa hè, giờ lại đến “cuộc chiến” đối phó với nước mùa mưa lớn. Gió mùa cùng các cơn bão nhiệt đới đã gây ra lũ lụt trên khắp Ấn Độ. Gần đây, lũ quét ở bang Kerala đã cướp đi sinh mạng của 37 người và khiến 36.000 người khác phải sơ tán.
Trong lịch sử của Thủ đô New Delhi, lượng mưa này được tích trữ để khai thác sử dụng trong mùa hè từ tháng 3 đến tháng 5, với nguồn nước được lưu trữ và phân phối thông qua các đập, giếng bậc thang và các cống tự nhiên. Nó phản ánh một triết lý mà như nhà quy hoạch môi trường đô thị Manu Bhatnagar gọi là “tôn trọng địa hình”. Tuy vậy, những tài nguyên này đã bị xóa bỏ, xem thường, phần nhiều do quá trình đô thị hóa của thành phố trong những thập kỷ gần đây.
Quy hoạch tổng thể của New Delhi năm 1976 có 201 cống tự nhiên nhưng vào năm ngoái, chỉ còn 44 cống có thể tìm được dấu vết, còn lại chủ yếu là những cống rãnh đặc rác hay bị lấp làm đường và công viên. Nhiều giếng bậc thang ở đây đã khô cạn vì thiếu nước ngầm. Agrasen ki baoli, chiếc giếng bậc thang với kiến trúc vô cùng độc đáo từ thế kỷ 14, dài 60m và rộng 15m, có sức chứa đáng kể nhưng những năm gần đây nó không còn được sử dụng và trở thành một địa danh du lịch. Và rất nhiều giếng bậc thang khác bị các lớp bê tông đè lên, bị chặn các mạch nguồn nên đã bị “bức tử”.
Yến Chi /ANTĐ