Nâng cao cảnh báo và hạn chế ô nhiễm không khí đô thị
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 00:30, 23/11/2019
Hiện miền Bắc đang là thời gian mùa khô và là thời điểm giao mùa. Đây là thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm không khí – trong đó có bụi mịn PM2.5 – thường cao nhất trong năm.
Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Đây là hiện tượng ô nhiễm không khí có tính chất lặp đi, lặp lại và thường gặp trong giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có. Xu hướng biến động của bụi PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Cuối năm 2019, một số khoảng thời gian, thời tiết không có mưa trong nhiều ngày, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, do đó các chất ô nhiễm tích tụ, không thể phát tán lên cao và đi xa, ô nhiễm tăng cao hơn.
Ảnh minh họa
Trong các đô thị phía Bắc, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại thành phố Hà Nội ở mức cao nhất bởi thời gian giao mùa có sự biến động do hiện tượng nghịch nhiệt hay đốt rơm rạ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, chất lượng không khí tại Hà Nội chịu ảnh hưởng của hoạt động giao thông nên ô nhiễm không khí tăng cao vào khoảng thời gian 7 – 9 giờ và 18 – 20 giờ.
Tuy nhiên, trong các thời điểm giao mùa, diễn biến chất lượng không khí không theo quy luật thông thường do thời tiết hanh khô cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, ô nhiễm tăng cao vào thời gian về đêm và sáng sớm.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí đô thị, hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, nhằm cải thiện chất lượng môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm. Cũng theo WHO, Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI – ứng dụng Air Quality Index đo chỉ số ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 9 tăng khá cao, dao động từ 100 đến 200.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9/2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO… trong các ngày 18 đến 20/9/2019.
Hiện tại, theo Tổng cục Môi trường, Hà Nội và các vùng khác của miền Bắc đang là thời gian mùa khô và là thời điểm giao mùa. Đây là thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm không khí – trong đó có bụi mịn PM2.5 – thường cao nhất trong năm. Người dân cần cập nhật về tình hình ô nhiễm không khí để có những ứng phó phù hợp như: Vào khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao (ngưỡng đỏ, tím, nâu) hạn chế các hoạt động ngoài trời, mở cửa sổ, sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, việc cần là thực hiện đồng thời các biện pháp vừa dự báo, cảnh báo, khuyến cáo và cắt giảm các hoạt động phát thải bụi tại các địa điểm được cảnh báo trong thời gian ô nhiễm tăng cao.
Minh Anh (T/h)