Hậu quả kinh hoàng từ vụ cháy rừng Amazon
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 05:30, 06/12/2019
Tháng 8/2019, còn nhớ cả thế giới đã phải lo lắng như thế nào khi chứng kiến những đám cháy ở tầm cỡ “kỷ lục” xảy ra tại rừng Amazon – cánh rừng nguyên sinh lớn nhất trên hành tinh hiện nay.
Trên thực tế, việc có cháy ở Amazon là không hề mới. Tuy nhiên, việc tần suất và mật độ cháy tăng dần qua từng năm – đặc biệt là 11 tháng qua liên tục ở mức kỷ lục – đã khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại về tầm ảnh hưởng của nó.
Những đám cháy ấy lớn đến mức tạo ra cột khói có thể quan sát được từ vệ tinh, và khiến bầu trời của những thành phố cách đó cả nghìn cây số trở nên tối đen như mực.
Rừng cháy thải ra một lượng cực lớn khí CO2, CO và khói bụi. Số liệu từ Cams (Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus của EU) cho thấy kể từ đầu năm 2019, có ít nhất 228 megaton khí CO2 bị thải ra, cao nhất kể từ năm 2010 (1 megaton = 1 triệu tấn).
Đó là chưa tính đến khí CO (carbon monoxide) – loại khí sinh ra khi gỗ rừng bị đốt cháy trong tình trạng thiếu oxy, có khả năng gây độc mạnh chết người. Hiện tại, khí CO từ Amazonđã lan tỏa khắp các vùng duyên hải Nam Mỹ.
Lượng khói khổng lồ này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của sinh vật (và con người), mà còn tác động rất lớn đến quá trình Trái đất nóng lên. Nhưng ảnh hưởng như thế nào thì giờ đây mới bắt đầu lộ ra, thể hiện qua một nghiên cứu cho thấy những tảng băng trên dãy Andes đang tan chảy với tốc độ cực kỳ nhanh.
Cháy rừng kỷ lục ở Amazon đã thể hiện hậu quả: Dãy núi dài nhất thế giới hiện đang tan chảy với tốc độ cực nhanh – Ảnh 2.
Dãy núi dài nhất thế giới đang tan chảy
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sciencetific Reports mới đây đã tiết lộ rằng, khói từ các vụ cháy rừng tại Amazon từ đầu thập niên 2010 đang khiến những dòng sông băng trên Andes – dãy núi dài nhất thế giới – tan chảy nhanh hơn.
Khói tại Amazon xuất hiện nhiều nhất vào mùa đốt rạ của nông dân (tháng 8 – tháng 10 hàng năm), còn gió mang chúng đến với các dòng sông băng của Andes. Những cột khói có thể tồn tại ở cự ly rất cao, lên tới 5000m phía trên mực nước biển.
Dù không thể quan sát bằng mắt thường, nhưng các phân tử “carbon đên” đã tạo ra hiện tượng “albedo” – khả năng phản xạ lại ánh Mặt trời của tuyết giảm đi. Thay vào đó, nhiệt lượng từ mặt trời bị giữ lại, khiến băng tuyết tan chảy ngày một nhanh hơn.
Bằng hệ thống mô phỏng lại cách các phân tử khói di chuyển trên bầu khí quyển (gọi tắt là HYSPLIT), nhóm nghiên cứu từ ĐH Keele (Anh Quốc) đã chứng minh rằng khói từ cháy rừng Amazon có thể chạm đến Aldes, biến chuyển thành các phân tử cực nhỏ, và gây ra những ảnh hưởng to lớn.
Matthew Harris – chuyên gia từ ĐH Keele cho biết những đám cháy tại Amazon từ năm 2010 đã khiến mực chảy từ sông băng Zongo (Bolivia) tăng thêm 4,5%.
Và trong trường hợp các phân tử này tăng lên, sông băng sẽ tiếp tục hấp thụ nhiều nhiệt lượng hơn, dẫn đến tình trạng biến mất hoàn toàn.
Được biết, các dòng sông băng hiện đang là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất của hành tinh. Sông băng Himalaya đang cung cấp nước uống cho 240 triệu người, và 1,9 tỉ người thì dựa vào chúng để kiếm ăn.
Còn tại Nam Mỹ, sông băng cũng đóng vai trò tương tự đối với nhiều thị trấn, với hơn 85% phải phụ thuộc vào chúng vào những lúc hạn hán xảy ra.
Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quan trọng này lại không nhận được sự quan tâm đúng mực, dù đang chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Theo thống kê, sông băng trên Andes đã rút ngắn cực kỳ nhanh chóng trong vòng 50 năm qua.
Tai họa sẽ không dừng lại
Vành đai nhiệt đới Nam Mỹ được dự đoán sẽ trở nên cực kỳ khô cằn khi biến đổi khí hậu xảy ra. Tiết trời càng khô, bụi càng nhiều, cháy rừng cũng sẽ nhiều hơn. Hiển nhiên, mọi người sẽ càng phải dựa vào nước trên sông băng, trong khi thực tế cho thấy chúng đang mất đi với tốc độ ngày càng nhanh.
Harris cho biết, việc các cộng đồng ngày càng phụ thuộc vào nước từ sông băng trong khi sông tan chảy ngày càng nhanh, con người cần phải nhanh chóng hành động. Mọi sự thay đổi tích cực đều được chào đón, và nhân loại cần nó càng sớm càng tốt.
Thanh Hương (T/h)