Ô nhiễm vây quanh vịnh Hạ Long
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 11:30, 05/12/2019
Nằm bên bờ vùng biển Cửa Lục, cửa ngõ phía bắc của Vịnh Hạ Long là hai nhà máy xi măng Thăng Long và Hạ Long cùng hàng loạt bến, bãi tập kết vận chuyển than gây ô nhiễm tới vùng di sản. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã nhắc nhở nhiều lần. Nhưng, mối đe dọa với môi trường di sản vẫn diễn ra?
Các trụ sở làm việc của Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ở phường Hà Khánh, TP Hạ Long luôn trong tình trạng đóng kín cửa sổ, nhưng hành lang, bàn làm việc… luôn phủ một màu trắng bởi bụi xi măng, clinker của 2 nhà máy xi măng nằm phía bên kia bờ vịnh Cửa Lục, thuộc huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) và hệ thống cầu cảng bốc xúc của 2 nhà máy vươn ra giữa vịnh Cửa Lục.
Cầu Bãi Cháy phân định giữa vịnh Hạ Long và vịnh Cửa Lục.
Khi có tàu vào trả hoặc lấy hàng, khu vực giữa vịnh Cửa Lục mịt mù bụi trắng. Các hộ dân thuộc huyện Hoành Bồ lại hứng chịu những trận khói bụi mịt mù từ 2 nhà máy xi măng và Nhà máy nhiệt điện Thăng Long – cũng nằm bên bờ vịnh Cửa Lục.
Cách đó không xa, nằm bên đôi bờ sông Diễn Vọng – một trong 6 con sông đổ ra vịnh Cửa Lục – là Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, có tổng công suất 1200 MW và hàng loạt cảng than luôn hối hả tàu ra vào. Vịnh Cửa Lục còn chịu áp lực từ những khai trường than lớn trên cao tại phường Hà Khánh. Mỗi khi mưa lớn, than trôi đen các con suối đổ ra vịnh.
Phía bên bờ vịnh thuộc phường Bãi Cháy các hoạt động sản xuất còn lớn hơn, với sự hiện diện của cảng xăng dầu thuộc diện lớn nhất cả nước, cảng Cái Lân, nhà máy sản xuất dầu ăn… Cách đó không xa là Khu công nghiệp Cái Lân, TP Hạ Long nơi hàng loạt nhà máy đã từng bị phát hiện sai phạm trong vấn đề môi trường, đe dọa nghiêm trọng tới vịnh Hạ Long. Cụ thể, cuối năm 2018, đoàn giám sát Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện sai phạm tại Công ty Cổ phần Tiên Đồng, nước thải không được thu gom xử lý triệt để, kho xử lý chất thải nguy hại cũng không đảm bảo tiêu chuẩn.
Tại công ty TNHH Sợi hóa học Thế kỷ mới Việt Nam cũng phát hiện nhiều sai phạm như hệ thống xử lý nước thải công nghiệp không đạt chuẩn; chất thải nguy hại không được thu gom, xử lý triệt để…. Và rất có thể, vịnh Hạ Long chính là nơi hứng đủ thứ độc hại này đổ vào.
Trước những vi phạm trên, bà Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh yêu cầu nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp là Công ty cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh phải có các biện pháp rà soát, kiểm tra đầy đủ đầu vào cũng như nguồn ra của nước thải, chất thải: “Qua giám sát chúng ta thấy có một số nội dung hạn chế. Thứ nhất là việc thực hiện lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động để đo lượng khí thải chưa hoàn thành. Thứ 2 là chưa nắm được tình hình pháp luật về bảo vệ môi trường của các đơn vị, doanh nghiệp thứ cấp. Mới chỉ thực hiện theo báo cáo về lượng nước thải thôi, chứ thực chất các đơn vị thứ cấp này sử dụng hệ thống hạ tầng để xử lý chất thải, nước thải như thế nào chúng ta chưa kiểm tra được. Qua kiểm tra 2 đơn vị thôi chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề”.
Minh Anh (t/h)