Xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội): Hàng loạt nhà xưởng “ba không” gây ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:00, 12/12/2019

Moitruong.net.vn -Nhiều héc-ta đất nông nghiệp tại thôn Đại Tự, xã Kim Chung được “hô biến” thành các nhà xưởng hoạt động nhiều năm qua mà không có hồ sơ pháp lý về môi trường, không được nghiệm thu PCCC.

VIDEO: Hoài Đức (Hà Nội): Hàng loạt nhà xưởng “mọc như nấm” trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường

Phản ánh đến Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống, Moitruong.net.vn, người dân thôn Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức bức xúc vì trên địa bàn mọc lên cụm công nghiệp chui rộng chừng 6 héc-ta, được xây dựng hoàn toàn trên đất nông nghiệp, hoạt động với nhiều ngành nghề khác nhau như làm két bạc, sơn tĩnh điện, sản xuất tủ nhôm… Tất cả các nhà xưởng hoạt động ở đây đều là các nhà xưởng tự phát, do sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền nên các nhà xưởng hoàn toàn không có các biện pháp bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định. Mỗi khi các nhà xưởng này hoạt động, bụi bẩn, tiếng ồn, mùi sơn bốc lên nồng nặc… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Đi vào ngõ 64 đường Đại Tự là hàng chục nhà xưởng hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhận được phản ánh của người dân, PV đã về đây để ghi nhận sự việc. Thực tế, khi bước qua cánh cổng thôn Đại Tự, trước mặt PV là hàng loạt nhà xưởng mọc lên như nấm, được xây dựng bằng khung thép lợp tôn kiên cố, hoạt động nhộn nhịp, xe tải ra vào liên tục. Đi vào ngõ 64 đường Đại Tự, PV phải đeo 2 lớp khẩu trang bởi vì bụi và mùi sơn nồng nặc mà các nhà xưởng xả ra khiến PV không thể nào chịu nổi.

Đằng sau những nhà xưởng này, PV thấy những dòng nước thải xả trực tiếp ra rãnh nhỏ, có chỗ nước thải màu đỏ son như màu sơn, chỗ khác nước thải lại đen như mực, bốc mùi hôi thối nồng nặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân.

Nước thải của các nhà xưởng không qua xử lý xả thẳng ra môi trường.

Bác N.T.A một người dân sống ở thôn Đại Tự bức xúc: “Các xưởng ở đây hầu như làm két bạc là nhiều bụi lắm, còn có cả mùi sơn nữa. Bẩn lắm, xưởng làm két, và nhiều xưởng khác nữa đầy bụi. Khi nắng lâu ngày không có mưa thì đi qua đây nó phủ một lớp bụi trắng xóa không thể nào chịu được”.

Cùng nỗi bức xúc trên, ông  L.V.L người dân sống tại thôn Đại Tự cho biết: “Trước đây các nhà xưởng này nó ở trong làng nhưng bị đuổi ra hết vì quá ô nhiễm, sản xuất gây tiếng ồn. Các nhà xưởng này bây giờ đang làm trên đất nông nghiệp, cái này ai cũng biết, chính quyền xã cũng biết nhưng chả ai làm gì được.”

Qua cổng làng thôn Đại Tự, đập vào mắt PV là hàng loạt nhà xưởng kiên cố được dựng lên bằng nhà thép, mái lợp tôn rất hoành tráng. Tại khu vực này ước chừng có khoảng gần trăm nhà xưởng. Đi vào chứng kiến tận mắt hoạt động sản xuất của các nhà xưởng này, PV không khỏi ngỡ ngàng bởi sự ô nhiễm mà các nhà xưởng này gây ra. Nước thải, khí thải không hề được qua một công nghệ xứ lí nào mà cứ thế xả thẳng ra ngoài môi trường.

Xưởng nào, xưởng nấy đều phủ một lớp bụi dày đặc, công nhân thì không được trang bị bảo hộ theo đúng quy định. Được gọi là nhà xưởng của các công ty nhưng theo ghi nhận của PV, các nhà xưởng này hầu như không có biển hiệu theo quy định. Ô tô tải đi vào tấp nập kéo theo bụi bẩn trắng xóa cả con đường khiến ai đi qua con đường này đều phải đeo khẩu trang, bịt mũi.

Trong vai một người đi thuê nhà xưởng để hoạt động, PV được người dân cho biết các nhà xưởng này đều hoạt động trên đất nông nghiệp, các nhà xưởng này đã có thời gian hoạt động từ lâu và giá thuê ở đây cũng rất rẻ. Đặc biệt các nhà xưởng ở đây rất ít khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lí.

Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Văn Kiêu – Trưởng thôn Đại tự cho biết: “Các nhà xưởng này làm cách đây mấy chục năm rồi. Đều không có hệ thống xử lí nước thải chung, mấy nhà xưởng sơn tĩnh điện gần làng đây thì người dân không cho sơn nhưng họ vẫn làm. Xã biết rất rõ những cái vấn đề này, xã còn nắm rõ hơn cả thôn”.

Ông Dương Văn Kiêu – Trưởng thôn Đại Tự cho biết các nhà xưởng này không có hệ thống xứ lí nước thải và không có các biện pháp phòng cháy chữa cháy.

“Nước thải của các nhà xưởng này chả có xử lý gì cả, cứ thế chảy ra ngoài mương chứ chả có xưởng nào xử lý. Các nhà xưởng này cũng không hề có các biện pháp phòng cháy chữa cháy, nhà nào lịch sự lắm thì có mấy cái bình xịt cầm tay treo đấy thế thôi chứ làm gì có hệ thống nào. Mấy ông môi trường về phạt rồi đóng bao nhiêu tiền xong thì thôi, lại cho làm chứ có ai xử lý môi trường này đâu. Hôm nào họp tiếp xúc cử tri dân lại kêu um lên, xã biết, huyện biết, ở đây người dân ai cũng biết.” – ông Kiêu cho biết thêm.

Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao trong suốt thời gian dài các xưởng sản xuất mọc lên trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Đại Tự mà vẫn vô tư hoạt động trước sự buông lỏng quản lí của các cấp chính quyền, địa phương? Liệu có sự “bao che”, “dung túng” nào của chính quyền để cho các nhà xưởng này hoạt động trái phép, bất chấp pháp luật hay không? Trách nhiệm của UBND xã Kim Chung, UBND huyện Hoài Đức đến đâu trong vấn đề này?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài tiếp theo.

Thế Đoàn – Đức Hiếu

Thế Đoàn – Đức Hiếu