Ô nhiễm không khí kéo dài ở Hà Nội có thể là tác nhân gây ung thư
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 10:30, 19/12/2019
Thời gian gần đây trên địa bàn TP. Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường đang gây đảo lộn cuộc sống của người dân, theo đó, lượng ô nhiễm trong không khí được đo hàng ngày đang ở mức nguy hiểm.
Khắp nơi ô nhiễm tăng, khói bụi, khí thải bị “mắc kẹt” nhưng không thể phát tán do hiện tượng nghịch nhiệt, khiến bầu trời như luôn có sương mù bao quanh. Sức khỏe của người dân cũng vì thế mà ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là nhóm người già, trẻ em và người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp mãn tính liên tục phải nhập viện do mắc các vấn đề về sức khỏe.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, theo TS. BS Trần Quang Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, thời gian vừa qua, lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại đây tăng. Tuần vừa qua, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30 – 35 ca cấp cứu, tăng 1,5 lần so với ngày thường.
Tương tự tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS. BS Đỗ Mạnh Hùng – Trưởng phòng Truyền thông và chăm sóc khách hàng cho biết, hiện số bệnh nhi nhập viện do thời tiết giá lạnh và tình trạng ô nhiễm môi trường tuy không nhiều đột biến, nhưng có phần tăng hơn so với ngày thường.
Bệnh viện Phổi Trung ương, do thời tiết lạnh kéo dài, chất lượng không khí thấp nên các bệnh nhân nhập viện do mắc các bệnh về hô hấp tăng. Tuy nhiên, số lượng hiện tại chưa thể thống kê.
Thời tiết lạnh cùng tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài khiến sức khỏe nhiều dân bị ảnh hưởng.
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí thời gian tới tại Hà Nội tiếp tục duy trì ở ngưỡng xấu. Dự kiến, 3-4 hôm tới, khi thời tiết có mưa, khói bụi, khí thải “mắc kẹt” có cơ hội được phát tán, chất lượng không khí tại Hà Nội mới được cải thiện.
Trước đó, lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài tại Hà Nội, Bộ Y tế đã ra khuyến cáo để người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt) khi ra ngoài đường;
Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường và buổi tối trước khi đi ngủ; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm;
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống, nên trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí;
Đặc biệt, hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp gas.
Ngoài ra, đối với người có bệnh về hô hấp, tim mạch… thì cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn là tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Linh Phương (t/h)