Hàng nghìn hộ dân phải sử dụng nước nhiễm mặn, nhiễm phèn nghiêm trọng ở Thanh Hóa
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 02:15, 23/08/2018
(Moitruong.net.vn) – Có tới 50% số dân trong tổng số 11.000 khẩu tại xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang phải sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nghiêm trọng hàng ngày.
>>>Tỉnh Kiên Giang: Được xuất cấp hóa chất sát trùng
Hàng chục ha đất bị bỏ hoang vì nhiễm phèn, nhiễm mặn
Theo người dân xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), bắt đầu từ những năm 1980 – 1981, sau một trận bão, mực nước biển dâng cao đã khiến cho đất đai, nhà cửa ở địa phương này bị ngập. Kể từ đó, đất đai, và nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng nề, không thể sử dụng được.
Viêc mất đi nguồn nước sạch khiến cuộc sống người dân hết sức khốn đốn. Không những thiếu nước ăn uống, sinh hoạt, mà hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Hàng chục ha đất nông nghiệp màu mỡ, phù hợp với cây thuốc lào, lạc… phải bỏ hoang.
Bà Nguyễn Thị Toan (54 tuổi), trú xã Hải Châu cho biết, đã gần 40 năm nay, gia đình bà phải tiết kiệm từng giọt nước mưa, nếu không thì cũng phải đi xin nước cách nhà vài cây số.
“Mặc dù có giếng khoan đấy nhưng nước nhiễm mặn nặng lắm, không thể dùng được. Đến cây trồng còn không phát triển được thì nói gì đến người. Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến lên chính quyền, mong mỏi có cách gì đưa nước sạch về cho dân sử dụng nhưng vẫn chưa có kết quả”, bà Toan nói.
Nước giếng đục ngầu không thể sử dụng được
Trước kia, gia đình ông Phạm Công Nhiên (68 tuổi), trú thôn Yên Châu, xã Hải Châu có truyền thống trồng cây thuốc lào. Thế nhưng, kể từ khi đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn thì cây thuốc lào cũng không còn sống nổi, gia đình đành bỏ nghề kiếm cơm lâu năm để đi làm thuê.
“Không trồng trọt chăn nuôi được gì, chúng tôi đi làm thuê, công cán chẳng được là bao, còn phải chi thêm tiền để mua nước sạch về dùng”, ông Nhiên chán nản nói.
Ngoài việc đi mua nước ở xa, mỗi nhà dân đều tự xây những bể ngoài trời để hứng nước mưa. Họ dùng tiết kiệm vì nước sạch ở đây quý như vàng. Còn những chiếc giếng khơi, giếng khoan bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, người dân đành dùng vôi để lắng lấy nước cho cho vật nuôi sử dụng.
Ông Đặng Duy Tân, Chủ tịch UBND xã Hải Châu xác nhận, tình trạng nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn ở đây đã xảy ra mấy chục năm qua. Theo ông Tân, tại địa phương đang có hàng nghìn hộ dân thiếu nước sạch, nguyên nhân chủ yếu là do biển xâm thực mạnh. Ngoài ra, yếu tố khác là do con người, hoạt động làm nghề muối và nuôi tôm công nghiệp cũng khiến tình trạng nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.
“Địa phương đã ý kiến nhiều lần lên các cấp về tình trạng này, mong muốn được đầu tư xây dựng một nhà máy nước sạch thế nhưng kinh phí xây dựng quá lớn, đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết. Trước mắt, chúng tôi kêu gọi những gia đình có nước sạch chung tay, chia sẻ với những hộ dân có nguồn nước bị nhiễm mặn để có nước sinh hoạt. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời”, ông Tân chia sẻ.
Cũng theo số liệu UBND xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia cung cấp, hiện toàn xã có hơn 50% số dân trong tổng số 11.000 khẩu đang hàng ngày sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, 32/905ha đất canh tác bị bỏ hoang do nhiễm mặn. Trong đó có 5/10 thôn (Yên Châu, Nam Châu, Liên Thành, Liên Hải, Thanh Đông) giáp biển hoặc sát cánh đồng muối, khu vực nuôi tôm có nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nghiêm trọng.
Theo Lương Diễn/ANTT