TP. Hồ Chí Minh: Ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm thất thoát nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:09, 05/03/2017
(Moitruong.net.vn) – Với mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống dưới 10% vào năm 2020, vừa qua ngành cấp nước TP Hồ Chí Minh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến giải pháp khoa học công nghệ.
Đầu tư công nghệ trong giảm thất thoát nước sạch
Chia sẻ về vấn đề giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch trên TTXVN, ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho biết: Tỷ lệ thất thoát nước sạch hiện nay là 28,31%, đây là tỷ lệ thất thoát khá cao so với các địa phương khác. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tỷ lệ thất thoát cao. Tổng mạng lưới cấp nước cho toàn thành phố là 10.000 km nên việc sửa chữa, cải tạo gặp nhiều hạn chế.
Việc thi công các công trình khác trên địa bàn cũng tác động đến đường ống làm một số nơi bị xì bể. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công nhân viên thiếu trách nhiệm trong việc dò bể ống để khắc phục kịp thời cũng như việc gian lận nước của khách hàng cũng làm tỷ lệ thất thoát nước sạch còn ở mức cao.
Tuy nhiên, giảm thất thoát nước sạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tổng công ty cấp nước Sài Gòn thực hiện thường xuyên trong các năm qua bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Qua đó, kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch từ 41% (2009) xuống còn 28,31% như hiện nay.
Giải pháp thực hiện
Về giải pháp giảm thất thoát nước sạch, ông Bùi Thanh Giang cho biết: Ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp mà Tổng công ty cấp nước Sài Gòn chú trọng nhất nhằm đạt mục tiêu được giao. Tổng công ty đã đưa hệ thống quản lý mạng lưới cấp nước trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS vào hoạt động, xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát SCADA…
Bên cạnh đó, Tổng công ty đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảm thất thoát và quản lý mạng lưới gồm thiết bị dò tìm rò rỉ, dò ống, dò van, thiết bị định vị GPS và các thiết bị hiện đại khác.
Hiện ngành cấp nước đã xây dựng, lắp đặt 530 đồng hồ tổng kiểm soát nước khu vực DMA, đầu tư 12 bộ tiền định vị để xác định khu vực rò rỉ, bể ống, 70 máy dò bể ống và 100 bút điện tử nghe rò rỉ, được phân về các công ty cấp nước để công nhân trực tiếp thực hiện.
Là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả giảm thất thoát nước, Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa (thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn) đã ững dụng những công nghệ cao giúp giảm tỷ lệ thất thoát từ 49% xuống còn 28% và đang phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát xuống dưới 20% trong năm 2017.
Chia sẻ với TTXVN, về hiệu quả đạt được, ông Lê Văn Nghiêm, Trưởng Phòng Giảm nước không doanh thu – Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa cho biết: Sử dụng đồng hồ tổng kiểm soát nước khu vực DMA mang lại hiệu quả trong kiểm soát và giảm thất thoát nước.
Hệ thống nước cấp 1 dẫn nước nhà máy đến hệ thống nhánh cấp 2, chuyển sang hệ thống cấp 3 rồi dẫn đến hệ thống ống dịch vụ cung cấp nước đến từng hộ gia đình. DMA là hệ thống đồng hồ tổng nối giữa hệ thống cấp 2 và cấp 3, kiểm soát cấp nước từng khu vực.
Lượng nước thất thoát được tính bằng cách so sánh giữa tổng khối lượng nước cấp cho hộ gia đình trong khu vực với khối lượng ở đồng hồ tổng DMA. Nếu có sự chênh lệch quá lớn thì dùng các thiết bị dò tìm để phát hiện ống dẫn rò rỉ để khắc phục, sửa chữa. Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa hiện đang sử dụng 92 đồng hồ tổng DMA, kiểm soát 92 khu vực cấp nước ở quận Tân Bình, Tân Phú với 140.000 hộ dân sử dụng nước sạch.
Bên cạnh đó, máy dò bể ống nước và bút điện tử nghe rò rỉ cũng là những thiết bị giúp công ty phát hiện và khắc phục rò rỉ nước sạch đạt hiệu quả. Máy dò bể ống nước được sử dụng để xác định vị trí ống bị bể ở các con đường, tuyến hẻm trước nhà dân. Bút điện tử nghe rò rỉ được dùng để xác định chính xác vị trí ống rò rỉ, nhất là ở tại đồng hồ nước hộ gia đình và đường ống nước dẫn vào nhà.
An Nhiên