Những thảm họa môi trường năm 2019 khiến người dân Thủ đô “điêu đứng”

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:33, 31/12/2019

Moitruong.net.vn – Vụ đổ dầu thải đầu nguồn sông Đà khiến hàng vạn hộ dân Hà Nội dùng nước nhiễm dầu, ô nhiễm bụi mịn, “điêu đứng” trước sự phát tán thủy ngân do cháy Công ty Rạng Đông,..Năm 2019 đi qua với hàng loạt sự cố, khủng hoảng về môi trường.

Cháy nhà máy Rạng Đông: Ô nhiễm thủy ngân

Tối 28/8, khu nhà xưởng của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Động (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cháy lớn. 480.000 đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.

Sau vụ cháy, người dân sống gần nhà máy, lính cứu hỏa, phóng viên tác nghiệp vụ cháy… đồng loạt đi kiểm tra sức khỏe. Tiếp đó, nhiều hộ dân sống gần Công ty Rạng Đông “sơ tán” khỏi khu vực này.

Hàng chục kg thuỷ ngân hoá lỏng bị phát tán ra môi trường sau vụ cháy khiến dân hoang mang.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết khối lượng thủy ngân phát tán ra môi trường có thể lên tới 27,2 kg, nồng độ thủy ngân vượt ngưỡng an toàn 10-30 lần. Bộ khuyến cáo người dân không dùng thực phẩm, nguồn nước ngầm xung quanh nhà máy, ngược lại, thành phố khẳng định chỉ số môi trường quanh khu vực an toàn. Người dân một lần nữa “tiến thoái lưỡng nan” trước những công bố bất nhất từ chính quyền.

Hai tuần sau vụ cháy, Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành tẩy độc khu vực. Đến lúc này, người dân mới tạm yên tâm khi Bộ TN&MT phát thông báo môi trường xung quanh nhà máy đã an toàn.

Nước sông Đà nhiễm bẩn: Hàng vạn hộ dân Thủ đô dùng nước nhiễm dầu

Ngày 10/10, nhiều hộ dân ở Hà Nội phản ánh tình trạng nước sinh hoạt có mùi lạ. Người Hà Nội khi ấy không biết rằng, trước đó một ngày, Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện dấu hiệu đổ trộm dầu thải tại khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), đầu nguồn nước sông Đà.

2 ngày sau, thông tin này mới được gửi đến chính quyền Hà Nội và 5 ngày sau mới chính thức được thông báo với người dân.

Qua kết quả xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định chất styren là thủ phạm gây mùi lạ và có tỷ lệ cao hơn mức cho phép từ 1.3 tới 1.6 lần. TP. Hà Nội khuyến cáo dân không dùng nước của Công ty nước sạch Sông Đà để ăn uống.

Hình ảnh người dân Hà Nội xếp hàng nhận nước sạch từ xe bồn.

Cuộc sống người dân Thủ đô bị đảo lộn vì mất nước. Khung cảnh từng đợt người xếp hàng dài suốt ngày đêm trước những xe nước miễn phí do thành phố cung cấp, không khác gì khung cảnh thời bao cấp.

Ngày 16/10, Công an huyện Kỳ Sơn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ Luật Hình sự 2015.

Tới ngày 25/12, Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) mới chịu gửi đi thông báo xin lỗi khách hàng và tuyên bố miễn phí 1 tháng tiền nước.

Sự cố về an ninh nguồn nước một lần nữa mở ra nỗi lo ngại của người dân khi phải trả phí cho những nhu yếu phẩm được cung cấp độc quyền, nhưng lại mang nhiều rủi ro về chất lượng.

Ô nhiễm không khí: Thấp thỏm sống chung với ô nhiễm bởi khí thải do chính mình gây ra

Nhiều thời điểm trong năm 2019, Hà Nội liên tiếp đứng trong danh sách thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, theo xếp hạng của ứng dụng quan trắc quốc tế AirVisual.

Tại Hà Nội, từ 10 đến 16/12, chỉ số AQI liên tục vượt ngưỡng 300, không khí ở mức nguy hại. Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Bộ Y tế phải ra khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời, đeo khẩu trang khi ra đường và đóng kín cửa.

Nội trải qua đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong năm 2019.

Sau nhiều đợt ô nhiễm liên tục suốt cả năm, ngày 19/12, Bộ TN&MT mới công bố 6 nguyên nhân chính khiến Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm không khí kéo dài, trong đó, phương tiện giao thông và hạ tầng xây dựng là 2 nguồn phát thải lớn nhất.

Theo GS. TS Hoàng Xuân Cơ (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội), quá trình ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã diễn ra từ nhiều năm, song đến giai đoạn 2017 – 2018, khi hệ thống quan trắc đi vào hoạt động liên tục ở Hà Nội, cơ quan chức năng mới ghi nhận được các chỉ số và công khai.

“Nghiên cứu cho thấy các tháng cuối năm thường xảy ra ô nhiễm liên tục ở mức độ xấu đến rất xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, tăng khả năng đột quỵ, các bệnh tim mạch”, ông Cơ nói và cho rằng chính quyền Thủ đô cần sớm triển khai những giải pháp cả trước mắt và lâu dài để khắc phục.

Mai Anh (t/h)

Mai Anh (t/h)