Nhật Bản: Đề xuất xả dần hoặc làm bay hơi 1 triệu tấn nước nhiễm xạ ra môi trường
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:30, 26/12/2019
Nhà máy hạt nhân này bắt đầu xảy ra tình trạng tan chảy từ 9 năm trước sau khi bị hư hỏng trong thảm họa kép động đất và sóng thần hồi năm 2011. Tới nay, quá trình tan chảy đã tạo ra khoảng một triệu tấn nước nhiễm phóng xạ trong khi các bể chứa nước nhiễm phóng xạ đều đã gần đầy.
Suốt nhiều năm qua, hội đồng chính phủ Nhật Bản vẫn thảo luận về cách xử lý khủng hoảng, trấn an ngư dân và người dân nếu xả lượng nước nhiễm xạ “khổng lồ” ra đại dương.
Trong dự thảo vừa đề xuất hôm 23/12, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị “xả nước có kiểm soát” ra Thái Bình Dương, làm nước bay hơi hoặc kết hợp cả hai phương pháp này.
Bể lưu trữ của nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi đang chứa hơn 1 triệu tấn nước nhiễm xạ. Ảnh: Nikkei.
Bộ này cho biết việc xả nước có kiểm soát ra biển là lựa chọn tốt nhất vì nó sẽ được “pha loãng và phân tán” – phương pháp đã được Ủy ban Khoa học Liên Hợp Quốc về Tác động Bức xạ Nguyên tử (UNSCEAR) chứng thực.
Bộ này cũng lưu ý rằng phương pháp bốc hơi đã được thử nghiệm và chứng minh sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island năm 1979, nơi phải mất hai năm để loại bỏ 87.000 tấn nước nhiễm phóng xạ tritium.
Trước đó, chính phủ và nhà điều hành nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), không thể xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm xạ đã được xử lý và lưu trữ do vấp phải sự phản đối của ngư dân địa phương và người dân.
Các chuyên gia, gồm cả đại diện Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đã kiểm tra các kế hoạch của Fukushima và đồng tình rằng việc xả nước có kiểm soát vào đại dương là lựa chọn thực tế duy nhất, mặc dù phải mất hàng thập kỷ.
Hiện công ty vận hành nhà máy hạt nhân TEPCO đã lắp đặt một hệ thống bơm và lọc nước nhiễm phóng xạ tại đây. Mỗi ngày hệ thống này đều bơm lên hàng tấn nước mới nhiễm phóng xạ và lọc những thành phần phóng xạ có trong nước. Theo các chuyên gia, nước sau khi được lọc chỉ có lại hàm lượng rất ít tritium, một thành phần chỉ có thể gây hại cho con người khi ở hàm lượng cao.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng nước tại Fukushima sau khi được lọc đúng quy trình có thể hòa tan với nước biển và giải phóng ra đại dương mà không gây ra các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, việc giải phóng loại nước này ra môi trường chắc chắn sẽ bị phản đối, không chỉ từ các ngư dân và nông dân địa phương mà còn từ các quốc gia láng giềng. Hiện nước đã qua xử lý được chứa trong hàng nghìn bể lớn ở bãi Fukushima Daiichi. TEPCO đang xây thêm nhiều bể chưa hơn nhưng tất cả các bể chứa dự kiến sẽ đầy vào mùa Hè năm 2022.
Mai Anh (t/h)