Rà soát quy hoạch thủy lợi cấp, tiêu nước lưu vực sông Đáy
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:34, 26/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Ngày 25-9 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo rà soát quy hoạch thủy lợi cấp, tiêu nước lưu vực sông Đáy. Toàn lưu vực sông Đáy có 442.419 ha cần tiêu thoát nước với 1.691 công trình có diện tích thiết kế là 540.795 ha.
>>>ĐH Ben Gurion, Israel: Tin tặc có thể làm cả thành phố mất nước
>>>Tập trung gỡ khó cho các dự án nước sạch nông thôn
Hiện lưu vực sông Đáy có 3 hệ thống tiếp nước gồm: Cẩm Đình- Hiệp Thuận, Liên Mạc, Tắc Giang. Ngoài ra, trên lưu vực có tổng cộng 2.500 công trình tưới tự chảy và động lực (bơm), có nhiệm vụ tưới cho khoảng 80% diện tích đất nông nghiệp.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Do các công trình tưới, tiêu hiện bị xuống cấp, cho nên việc cung cấp nước, tiêu thoát nước đối với các địa phương trong khu vực không còn đáp ứng được yêu cầu. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa hạn gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân ở lưu vực sông Đáy, nhất là tình trạng ngập lụt ở các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai (Hà Nội) trong những năm gần đây.
Viện Quy hoạch Thủy lợi đã đề xuất nhiều phương án cấp nước cho sông Đáy như: cải tạo lòng dẫn sông Đáy, xây dựng đập trên sông Hồng, bổ sung công trình lấy nước động lực, điều tiết hồ chứa cùng với những giải pháp tiêu nước cho các khu vực sông.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: “Các chuyên gia, các nhà quản lý đã thảo luận về nhiều giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nước, tiêu thoát nước cho các địa phương thuộc lưu vực. Tuy nhiên, để có giải pháp tối ưu vẫn cần tiếp tục cần có sự góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học”.
Là đơn vị thẩm tra dự án, ông Lê Đức Năm, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Tưới tiêu Việt Nam góp ý, về cấp nước đã và đang có nhiều công trình lấy nước trực tiếp từ sông Hồng. Vấn đề xây dựng các đập dâng trên dòng chính dể điều tiết lại nước xả từ các hồ chứa thượng lưu phải được nghiên cứu cẩn thân có trọng điểm và lưu dài. Về công trình trong từng khu thủy lợi đã nêu rõ việc lựa chọn và xếp thứ tự là do khả năng nguồn vốn và yêu cầu thực tế của từng địa phương. Nhưng công việc cấp thiết nhất vẫn là nạo vét các sông trục tưới tiêu, nâng cấp cống, trạm bơm.
Về môi trường, đây là vấn đề nghiêm trọng phải làm ngay vì không thể có nguồn nước đủ pha loãng (cứ 1 m3 nước thải cần 10 m3 nước sạch). Vì vậy, phải làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và cần có chế tài mạnh đối với những đối tượng gây ô nhiễm.
Hà An (T/h)