Mafia nước lộng hành và cơn khát ở Karachi

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:00, 25/09/2018

Xe bồn chở nước lậu xuất hiện khắp nơi ở Karachi (Ảnh: AFP)

(Moitruong.net.vn) – Cuộc khủng hoảng nước sạch tại Karachi, thành phố đông dân nhất Pakistan, là cơ hội để những nhóm lợi ích thi nhau trục lợi.

>>> Nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô để bảo vệ môi trường

>>> Tập trung gỡ khó cho các dự án nước sạch nông thôn

Biến đổi khí hậu, môi trường ngày càng khô hạn, dân số gia tăng và tình trạng ô nhiễm nặng khiến nguồn nước cung cấp cho các thành phố ở Pakistan ngày càng bị giảm đi trầm trọng. Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là đầu tàu kinh tế và công nghiệp Karachi. Hồi tháng 8, khoảng 40% quận huyện tại thành phố này không có nước dùng trong suốt 15 ngày, theo tờ The Express Tribune. Lợi dụng tình trạng quản lý yếu kém và tham nhũng, nhiều nhóm tội phạm hút trộm nước và hình thành nên ngành kinh doanh béo bở, trục lợi từ sự thiếu thốn của đại đa số người dân.

Theo AFP, Karachi có dân số khoảng 20 triệu người và mỗi ngày cần khoảng 4,5 triệu m3 nước để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt cơ bản nhất. Tuy nhiên, nguồn nước từ sông Ấn và một hồ nhân tạo cách thành phố 150 km hiện chỉ đủ cung cấp 1,7 triệu m3/ngày. Trong đó, khoảng 1/3 bị rò rỉ do hệ thống đường ống xuống cấp trầm trọng cộng thêm nạn hút trộm nước. Ban Quản lý cấp thoát nước Karachi (KWSB) lại thường xuyên than thở không đủ kinh phí để sửa chữa đường ống. Chính vì thế, tuy được coi là xử lý sạch nhất nhưng nước do chính quyền cung cấp có giá trung bình lên tới 150 USD/tháng, tức hơn mức lương của một nhân viên bảo vệ, và cũng không đủ để cung cấp cho toàn thành phố. Ngay cả ở những khu trung tâm, người dân cũng chỉ có thể lấy nước trong 2 giờ mỗi ngày.

Trong tình hình này, đa số phải chấp nhận mua nước hút từ các giếng bơm trái phép với giá rẻ hơn nhưng chất lượng không bảo đảm, thậm chí có giếng đào gần nơi xả thải từ nhà máy. Đài Al Jazeera dẫn lời nhiều người, nhất là cư dân các khu phố nghèo vùng ngoại ô, cho biết nếu không đun sôi ngay thì nước sẽ bốc mùi khó chịu. Ngoài những trạm bơm chính của KWSB, hiện có hơn 100 giếng bơm lậu mọc lên khắp nơi, thi nhau hút trộm nước rồi đưa lên xe bồn chở đi bán công khai. Hằng ngày, khoảng 10.000 xe bồn len lỏi khắp các ngõ ngách của thành phố và hiện lực lượng này gần như chi phối toàn bộ thị trường nước sinh hoạt ở Karachi. Bà Akhtari Begum, sống ở khu ổ chuột Orangi, cho biết gia đình 5 người của bà phải bấm bụng dành ra 1/3 trong thu nhập khoảng 160 USD/tháng để mua thứ nước nhờ nhờ và thoảng mùi hăng hắc từ các xe bồn.

Đài NPR dẫn các nguồn tin địa phương cáo buộc đứng sau các giếng bơm lậu và lực lượng xe bồn là những nhóm “mafia nước” được quan chức tham nhũng bao che. Đường dây lợi ích này dính líu tới cảnh sát, nhiều cơ quan ban ngành, trong đó có KWSB, và được cho là có doanh thu bất chính lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm.

Về phần mình, KWSB tuyên bố đã phối hợp cùng cảnh sát xử lý hàng trăm vụ hút nước trái phép trong những năm gần đây. Tuy nhiên, giới quan sát cho hay những chiến dịch này diễn ra rất chóng vánh và vẫn có những giếng mới được đào lên mỗi ngày. “Vấn đề lớn nhất là nhiều quan chức có phần trong những cơ sở hút nước trái phép”, Giám đốc Anwar Rashid của Dự án tiên phong Orangi (OPP) chuyên theo dõi hoạt động khai thác nước lậu ở Karachi, cho biết.

Sau nhiều năm gần như bị các đời chính phủ trước phớt lờ, cuộc khủng hoảng nước ở Karachi hiện đã trở thành một trong những tâm điểm ưu tiên của chính quyền tân Thủ tướng Imran Khan. Sau khi chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử hồi tháng 7, đảng PTI của ông cam kết sẽ nỗ lực làm dịu “cơn khát” của người dân, trong đó có tuyên chiến với mafia nước. Ngoài ra, tân Tổng thống Arif Alvi cũng công bố kế hoạch xây dựng một cơ sở lọc nước biển và khử mặn quy mô lớn để cung cấp nước sạch cho thành phố, theo tờ Daily Times.

Theo Báo Thanh Niên

Theo Báo Thanh Niên