Nghệ An: Nhiều sai phạm trong hoạt động khai khoáng của Xi măng Sông Lam

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 03:54, 01/03/2020

Moitruong.net.vn – Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa ban hành một loạt kết luận thanh tra chuyên đề về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng của các doanh nghiệp trên cả nước.

Thanh tra hàng loạt sai phạm

Cụ thể, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tiến hành thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam và Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam 2. Đáng chú ý, 2 công ty này đều trực thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai).

Theo kết luận thanh tra, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam do ông Nguyễn Ngọc Oánh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm giám đốc có một loạt sai phạm. Cụ thể, trong lĩnh vực khoáng sản, công ty này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 2 giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi và đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng trên tổng diện tích hơn 84ha tại 3 xã Bài Sơn, Hồng Sơn, Văn Sơn thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Kết luận Thanh tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đối với 2 Công ty CP xi măng Sông Lam và Sông Lam 2. Ảnh báo TN&MT

Tuy nhiên, qua thanh tra đã phát hiện một loạt vi phạm như: Chưa hoàn thành việc thuê đất để khai thác khoáng sản theo quy định; sau 12 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, công ty chưa tiến hành xây dựng cơ bản mỏ; chưa hoàn thành việc xin giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về sản lượng đã khai thác và sử dụng thực tế hàng năm…

Đối với những tồn tại trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam khẩn trương hoàn thành thủ tục thuê đất để triển khai hoạt động khai thác theo quy định. Đồng thời hoàn thành hồ sơ trình cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo đề nghị xin phép khai thác đá vôi, đá sét ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình theo Luật Khoáng sản. Ngoài ra, không tiến hành thu hồi đá vôi ở khu vực nằm ngoài diện tích đã được phê duyệt, lập báo cáo tổng hợp về sản lượng đã khai thác, sử dụng thực tế hàng năm.

Nhà máy xi măng Sông Lam bị người dân tố cáo trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân 

Được biết, ngày 31/01/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã từng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP xi măng Sông Lam với số tiền là 110 triệu đồng do vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường khi chưa thực hiện một trong các nội dung trong ĐTM. Trước đó, năm 2017, Công ty CP xi măng Sông Lam cũng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 300 triệu đồng do hành vi vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

Tương tự, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam 2 được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) cấp 2 giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi xi măng và đá sét trên tổng diện tích 18ha để làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại mỏ Bắc Kim Nhan, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Tiến hành thanh tra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát hiện doanh nghiệp chưa hoàn thành việc điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản khi có sự thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản theo quy định.

Đối với giấy phép khai thác khoáng sản số 2908/QĐ-ĐCKS, thiết kế khai thác mỏ đá vôi Bắc Kim Nhan lập, phê duyệt có một số nội dung chưa phù hợp với giấy phép khai thác khoáng sản được cấp.

Tại thời điểm kiểm tra một số vị trí khai thác có chiều cao tầng khai thác, góc nghiêng sườn tầng khai thác đã vượt mức so với tính toán trong thiết kế mỏ đã được phê duyệt. Tại khai trường có một số vị trí đá treo sau nổ mìn, vị trí dễ trượt lở có nguy cơ mất an toàn.

Trong giấy phép khai thác thì trữ lượng là 3,6 triệu tấn, sản lượng khai thác 120.000 tấn/năm, thời hạn khai thác 30 năm, trong khi thiết kế khai thác trữ lượng được phép khai thác là gần 8,5 triệu tấn, công suất khai thác 38.000 m3 tương đương gần 103.000 tấn/năm, thời gian là 70 năm – trong thiết kế chỉ thiết kế cho 20 năm đầu tiên.

Nhà máy xi măng Sông Lam ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, cơ quan thanh tra phát hiện Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam 2 khai thác vượt công suất được phép khai thác trong 3 năm 2016, 2017, 2018. Năm 2016 khai thác vượt 634.095 tấn, năm 2017 vượt 561.478 tấn, năm 2018 khai thác vượt 573.389 tấn.

Sông Lam 2 cũng chưa đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác với UBND tỉnh Nghệ An đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho cho xây dựng công trình đó. Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam 2 cũng chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với việc sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình.

Xử lý nghiêm và yêu cầu nhanh chóng khắc phục các tồn tại

Sau khi phát hiện các sai phạm, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các công ty xi măng không tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản. Quyết định xử phạt hành chính đối với 3 hành vi vi phạm của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam 2. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan xem xét, xử phạt theo thẩm quyền. Đôn đốc các tổ chức, doanh nghiệp khai thác đá vôi là đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ các nội dung theo kết luận thanh tra.

Ngoài ra, đối với trường hợp của Sông Lam 2, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp tổng hợp sổ sách, chứng từ liên quan tới hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường từ khi khai thác đến nay, nộp về UBND tỉnh Nghệ An để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng đá vôi làm vật liệu xây dựng đã thu hồi.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng lưu ý trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra, các doanh nghiệp trên phải có trách nhiệm khắc phục các tồn tại, vi phạm, báo cáo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Ủy ban Nhân dân các tỉnh kết quả thực hiện bằng văn bản về kết quả thực hiện.

Trường hợp công ty này không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Minh Anh

Minh Anh