Vụ bọt trắng xóa nổi ngập suối ở Bình Dương: Đã xác định được nguyên nhân
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 03:44, 15/04/2020
Ngày 14/4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã có báo cáo bước đầu xác định nguyên nhân chính, gây ô nhiễm tại hồ chứa nước Tân Vĩnh Hiệp và kênh Suối Chợ (Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) là xuất phát từ Công ty cổ phần bột giặt LIX.
Trước đó, sau trận mưa lớn đêm 8/4, người dân ở khu vực P.Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên, Bình Dương) chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khi con Suối Chợ dài nhiều ki lô mét bị lớp bọt trắng dày bao phủ.Người dân trong khu vực chứng kiến cảnh tượng này cảm thấy rất hoang mang, sợ hãi.
Dòng kênh phủ đầy bọt trắng sau cơn mưa đầu mùa.
Nhận được phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, đã nhanh chóng xuống hiện trường ghi nhận vụ việc, lấy mẫu về phân tích. Kết quả cho thấy, nước tại khu vực này bị ô nhiễm chỉ số cao hơn nhiều lần cho phép.
Cụ thể, đoạn kênh Suối Chợ bị ô nhiễm chất hoạt động bề mặt và chất hữu cơ. Mức độ ô nhiễm cao nhất là từ KCN Đại Đăng và giảm dần từ phía hạ nguồn.
Bọt dày đặc tại kênh.
Chất gây ô nhiễm có hàm lượng chất hoạt động bề mặt là 30,3 m/l (vượt quy chuẩn 75,7 lần), hàm lượng chất hữu cơ là 84m/l (vượt quy chuẩn 2,8 lần).
Theo đó, kết quả làm việc của Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở TN&MT, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Bình Dương xác định: khoảng 500m3 nước mưa có lẫn nguyên liệu sản xuất (là chất hoạt động bề mặt) của Công ty cổ phần bột giặt LIX đã gây ô nhiễm cho kênh. Ngoài ra việc KCN Đại Đăng để nước mưa chảy vào hệ thống thu gom xử lý nước thải rồi tràn ra ngoài cũng góp phần gây ô nhiễm.
Riêng với Công ty cổ phần bột giặt LIX (nằm trên đường N2, KCN Đại Đăng) – tại thời điểm kiểm tra lúc 15h ngày 9/4, cơ quan chức năng xác định tại bên trái nhà xưởng sản xuất, công ty để nhiều thùng chứa nguyên liệu sản xuất, trong đó đựng chất hoạt động bề mặt (LAS), một số thùng không đậy nắp kín.
Điều này dẫn tới việc cơn mưa đột ngột vào tối 8/4 đã cuốn nguyên liệu từ thùng hóa chất chảy vào hệ thống thu gom nước mưa rồi chảy vào kênh Tân Vĩnh Hiệp, sau đó đổ vào kênh Suối Chợ. Khối lượng nước mưa cuốn theo nguyên liệu sản xuất khoảng 500m3/ngày, với hàm lượng COD là 9.125mg/l, vượt quy chuẩn 121 lần.
Đối với KCN Đại Đăng, tại thời điểm kiểm tra, trên tuyến thu gom nước thải số D1 (thu gom nước thải của 8 doanh nghiệp trong KCN) có một số hố gas bị bật nắp và có dấu hiệu nước thải bị tràn ra bên ngoài. Do đó, khi có mưa thì nước mưa thoát không kịp, tràn vào hệ thống thu gom nước thải rồi đổ ra kênh, góp phần tăng thêm ô nhiễm.
Để khắc phục, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty bột giặt LIX chuyển toàn bộ nguyên liệu để ngoài trời vào trong kho chứa, đồng thời thu gom toàn bộ nước thải trong các hố ga (có chứa nguyên liệu sản xuất) để xử lý theo quy định. Đối với KCN Đại Đăng, đoàn kiểm tra yêu cầu nâng cao các miệng hố ga thu gom nước thải để tránh nước thải thu gom không kịp, tràn ra ngoài.
Về hướng xử lý đối với các vi phạm của Công ty bột giặt LIX và chủ đầu tư KCN Đại Đăng, hiện các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để xử lý theo quy định.
Hồng Anh