Chất lượng nước ở miền Bắc 3 tháng đầu năm vượt ngưỡng
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:30, 09/04/2020
Việc quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường quốc gia, quan trắc mang tính liên vùng, liên tỉnh và xuyên biên giới, quan trắc tại các điểm nóng, đặc thù và nhạy cảm về môi trường trên phạm vi địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh (gọi tắt là các tỉnh miền Bắc).
Theo đó, kết quả tính toán giá trị WQI trên 5 lưu vực sông (LVS) đợt 1/2020 (tháng 2/2020) phản ánh chất lượng môi trường nước trên các LVS khu vực phía Bắc khá tốt.
Trong số 185 điểm quan trắc trên 5 lưu vực sông, có đến 70% các điểm quan trắc có giá trị WQI đạt ở mức rất tốt đến tốt; 18% ở mức trung bình và 12% số điểm quan trắc có giá trị WQI mức kém, mức xấu.
Các điểm có giá trị WQI ở mức xấu tập trung trên các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như lưu vực sông Nhuệ Đáy (đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận Hà Nội, các sông nội thành Hà Nội), lưu vực sông Cầu (đoạn sông Ngũ Huyện Khuê; đoạn suối Loàng, cầu Bóng Tối) do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của thành phố Hà Nội, Thái Nguyên và nước thải làng nghề Bắc Ninh chưa qua xử lý, xả thải ra lưu vực sông.
Kết quả phân tích WQI của Tổng cục Môi trường cho thấy trên các lưu vực sông Hồng-Thái Bình, sông Mã-Chu, sông Cả La (sông Lam, sông La), môi trường nước sông khá sạch, nước sông sử dụng được cho các mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích khác.
Trong khi đó, lưu vực sông Nhuệ-Đáy và lưu vực sông Cầu, ô nhiễm vẫn tiếp diễn trên các điểm nóng về môi trường.
Tại lưu vực sông Cầu, ô nhiễm xuất hiện chính trên sông Ngũ Huyện Khê, tại điểm quan trắc Cầu Đào Xá (WQI = 12). Nguyên nhân do tiếp nhận nước thải làng nghề giấy Phong Khê-BắcNinh, giá trị BOD5 (oxy hoá 5 ngày) là 133 mg/L, cao gấp 9 lần so với Quy chuẩn Việt Nam (15mg/L).
Khu vực suối Bóng Tối cũng thường xuyên bị ô nhiễm do nước thải từ các khu dân cư thành phố Thái Nguyên. Cụ thể, giá trị N-NH4 cao gấp 31 lần Quy chuẩn Việt Nam (0,9 mg/L).
Đối với lưu vực sông Nhuệ-Đáy, ô nhiễm vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu được cải thiện tại dòng chính sông Nhuệ và các đoạn sông nội thành Hà Nội. Giá trị các thông số COD, BOD5 cao gấp 5-6 lần so với Quy chuẩn Việt Nam. Chất lượng nước sông Đáy tốt hơn so với sông Nhuệ.
Minh Anh