Hà Nội: Các xưởng mộc, gỗ ván ép tại xã Thanh Đa gây ô nhiễm môi trường, bao giờ mới được xử lý?
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:05, 25/04/2020
VIDEO: Phúc Thọ (Hà Nội): Nhiều xưởng mộc, gỗ ván ép hoạt động trái phép “bức tử” môi trường
Ngày 17/4/2020 tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn đã đăng tải bài viết và Video clip: Phúc Thọ (Hà – Nội) – Bài 1: Nhiều xưởng mộc, gỗ ván ép hoạt động trái phép “bức tử” môi trường. Bài viết phản ánh nhiều năm qua tại chân đê La Thạch, thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, Tp. Hà Nội tồn tại nhiều xưởng mộc, gỗ ván ép hoạt động trái phép, vi phạm luật đất đai, gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, dường như vấn đề này đang được chính quyền địa phương bỏ qua.
[Phúc Thọ (Hà Nội) – Bài 1: Nhiều xưởng mộc, gỗ ván ép hoạt động trái phép “bức tử” môi trường]
Hàng loạt nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Phú An, hoạt động gây ô nhiễm môi trường nhưng lãnh đạo xã Thanh Đa vẫn ngó lơ
Tuy nhiên, sau khi tòa soạn thông tin UBND xã Thanh Đa cũng không hề có động thái xử lý kiên quyết đối với các cơ sở vi phạm mà chỉ kiểm tra theo kiểu “qua loa lấy lệ”.
Sáng ngày 24/4, trao đổi với phóng viên Môi trường và Cuộc sống, ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Đa cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh, ngày 21/4 UBND xã đã kiểm tra các cơ sở và lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp đảm bảo xử lý môi trường theo quy định và báo cáo lên UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo”.
Theo thẩm quyền, đối với các cở sở sản xuất trái phép trên địa bàn thì thẩm quyền xử lý thuộc về UBND xã Thanh Đa, nhưng trong buổi làm việc với PV Moitruong.net.vn thì ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã lại đùn đẩy việc xử lý các cơ sở vi phạm lên huyện Phúc Thọ
“Việc xử lý dứt điểm vi phạm của các cơ sở tại chân đê La Thạch, UBND xã đã có biện pháp gì? Sau khi báo phản ánh huyện đã có chỉ đạo, xã Thanh Đa đang tham khảo các cơ quan ban ngành của huyện để kiểm tra xử lý dứt điểm các cơ sở trên”, ông Mạnh cho biết.
Việc các cơ sở sản xuất mộc, gỗ ván ép… hoạt động vi phạm Luật đất đai, xây dựng, môi trường nhiều năm, nhưng qua buổi kiểm tra vừa qua, UBND xã có tiến hành xử phạt hành chính đối với các sở trên không? Trả lời câu hỏi này, ông Mạnh lại cho rằng: Nội dung này mới, chúng tôi chỉ yêu cầu các hộ chấp hành, sau khi kiểm tra lần 2 các hộ không thực hiện sẽ thực hiện quy định tiếp theo.
Thực tế những vi phạm của các cơ sở trên đã tồn tại từ năm 2006, việc này lãnh đạo xã Thanh Đa cũng đã biết từ lâu, vậy mà ông Mạnh còn nói là “mới” thì không hiểu như thế nào là cũ? Phải để đến khi những hoạt động này gây ra hệ lụy xấu về môi trường thì mới được gọi là cũ? Là một Chủ tịch UBND xã mà ông Mạnh không phân biệt được thế nào là mới – cũ, do năng lực quản lý yếu kém hay ông Mạnh cố tình không hiểu, không xử lý để bao che cho vi phạm của các cơ sở?.
Khói đen từ xưởng sản xuất gỗ ván ép của ông Hoàng Đình Đường xả ra môi trường khét lẹt, khiến người dân bức xúc
Là chính quyền địa phương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn nhưng hết lần kiểm tra này đến lần kiểm tra khác, UBND xã Thanh Đa cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, chứ không có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở vi phạm. Như vậy, lãnh đạo xã Thanh Đa đã làm hết trách nhiệm và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ hay chưa?
Do không có hệ thống xử lý bụi, nên trong quá trình cắt gỗ bụi mùn cưa của 2 xưởng mộc của ông Lê Tiến Hà và ông Lê Tiến Ngọc thổi thẳng ra môi trường
Tại biên bản kiểm tra ngày 21/4/2020 của UBND xã Thanh Đa đối với 06 cơ sở tại chân đê La Thạch, thôn Phú An đều ghi rất sơ sài có chung một nội dung: đề nghị các cơ sở làm các thủ tục theo quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Nếu không thực hiện UBND xã xử lý theo quy định của pháp luật. Điều đáng nói, trong biên bản làm việc đối với các cơ sở, xã Thanh Đa không ghi các cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh hay không? đất thuê của ai? và thời gian ngừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục về môi trường, đất đai, xây dựng, PCCC cũng không được xã Thanh Đa ghi trong biên bản làm việc.
Biên bản làm việc kiểm tra của UBND xã Thanh Đa đối với 6 cơ sở sản xuất đang vi phạm tại thôn Phú An rất chung chung, hời hợt không đúng bản chất sự việc
Như ông Mạnh – Chủ tịch xã trao đổi với phóng viên trước đó và khẳng định UBND xã đã yêu cầu các cơ sở dừng hoạt động nhưng trong biên bản làm việc lại không hề nhắc đến. Như vậy giữa lời nói và biên bản đang mâu thuẫn với nhau.
Nội dung làm việc của UBND xã Thanh đa với 6 cơ sở sản xuất vi phạm rất chung chung, giống nhau, không đưa ra biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật
Bên cạnh đó, trong bài viết trước tòa soạn Moitruong.net.vn đã đăng tải ông Lê Tiến Hà – Chủ xưởng mộc cho biết, gia đình ông hoạt động tự phát từ làm nghề mà lên nên không cần thiết có đăng ký kinh doanh. Khi PV hỏi về vấn đề này ông Mạnh khẳng định hình như các cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh, tuy nhiên khi PV yêu cầu cung cấp thì ông Mạnh không cung cấp được.
Xưởng đá trái phép tại thôn Phú An hoạt động gây bụi mù mịt, trong quá trình cắt đá gây tiếng ồn đinh tai, nhức óc
Theo ghi nhận của PV, sáng ngày 24/4 đứng từ chân đê La Thạch các cơ sở trên vẫn hoạt động rất nhộn nhịp, tiếng máy cắt đá cùng các xưởng mộc vẫn đua nhau hoạt động, những đống gỗ của ông Đường vẫn được tập kết trên sườn đê không được di chuyển đi nơi khác, trong buổi làm việc trước với ông Mạnh cho rằng, việc xử lý vi phạm hành lang đê do Hạt quản lý đê Phúc Thọ giải quyết, xã không có thẩm quyền. Vậy lời nói của ông Mạnh có đúng thẩm quyền và quy định?
Thiết nghĩ lãnh đạo huyện Phúc Thọ nên xem xét lại năng lực điều hành, quản lý của ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Đa khi để các cơ sở vi phạm tồn tại kéo dài nhưng không được xử lý. Trách nhiệm của UBND huyện Phúc Thọ và các phòng chức năng liên quan đến đâu trong công tác thanh, kiểm tra xử lý những vi phạm của các cơ sở tại chân đê La Thạch, thôn Phú An?
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Thùy Dương