Truy tìm “thủ phạm” khiến ô nhiễm không khí tăng cao
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 06:30, 23/06/2020
Bụi mịn từ đâu?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí bên ngoài bắt nguồn từ các nguồn tự nhiên và nhân tạo. Trong đó, các nguồn tự nhiên phần nhiều là do các vụ cháy rừng và bão bụi. Các nguồn nhân tạo chủ yếu từ giao thông, sản xuất điện, công nghiệp, hoạt động đốt rác thải và phế phẩm nông nghiệp, xây dựng hay các nguồn dân sinh như nấu ăn, thắp sáng, sưởi ấm bằng nhiên liệu gây ô nhiễm.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, nguồn phát thải bụi nano từ giao thông (46,3%); bụi thứ cấp trong không khí (31%); đun nấu sinh hoạt và bụi đất công nghiệp là 2,6%. “Sở dĩ có thể khẳng định ô nhiễm do phương tiện giao thông vì qua các kết quả đo đạc cho thấy, vào cuối tuần, lượng phương tiện giảm thì ô nhiễm cũng giảm”, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho biết.
Nồng độ bụi PM 2.5 vào các giờ cao điểm vượt lên rất cao
TS Lý Bích Thủy – Viện Khoa học Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong 20 năm qua (từ năm 1999-2019), nồng độ bụi mịn PM10 và PM2.5 trên địa bàn thành phố Hà Nội đều cao hơn mức khuyến nghị của WHO và quy chuẩn của Việt Nam.
Cũng như các nhà khoa học đã nhận định trong thời gian gần đây, bà Thủy cho biết, nồng độ bụi mịn trên địa bàn thành phố Hà Nội thay đổi theo mùa trong năm. Có thể khi điều kiện bình thường thì ô nhiễm thấp, nhưng khi điều kiện khí hậu bất lợi thì nồng độ bụi mịn rất cao.
Mặc dù vậy, TS Lý Bích Thủy cũng nhấn mạnh: “Nồng độ bụi PM2.5 tăng trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đổ tại trời và không làm gì được. Phải làm thế nào để trong điều kiện thời tiết đó vẫn không bị tăng cao quá. Đây là vấn đề cần giải quyết quyết liệt, rất khó. Không còn cách nào khác là phải giảm nguồn phát thải từ con người”.
Ảnh hưởng của giao thông đối với chất lượng không khí là rất rõ nhận thấy khi tất cả các thông số ô nhiễm, đặc biệt là nồng độ bụi PM 2.5 vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều vượt lên rất cao.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1.000 công trình đang xây dựng, vỉa hè, đường sá thì bị đào xới, TP.HCM cũng vậy… đã biến hai thành phố này trở thành đại công trường, đó là tác nhân gây ô nhiễm rất lớn. Riêng TP.HCM còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công cũng gây ô nhiễm.
“Ở Hà Nội có một số nguyên nhân đặc thù khác, đó là vấn đề đốt rơm rạ, đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, tôi không ngờ con số lại lớn như vậy. Cộng với việc đốt rác thải nguy hại ở ngoại thành Hà Nội đều khiến các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những tháng cuối năm tăng cao”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Đẩy mạnh quan trắc, kiểm soát khí thải
Chiều 27/5, Công ty TNHH THT đã bàn giao cho thành phố Hà Nội 24 trạm quan trắc không khí tự động, năng tổng số trạm trên địa bàn lên 35 trạm. Điều này góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và xây dựng chính sách về bảo vệ môi trường không khí.
Trước đó, tháng 12/2016 thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 10 trạm quan trắc không khí do Tập đoàn Vingroup tài trợ. Tháng 7/2019, tiếp tục tiếp nhận dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Pháp.
Để kiểm soát chất lượng không khí, theo Bộ TN&MT, sắp tới sẽ phải hoàn thiện cơ chế chính sách, Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan. Lộ trình này ở TPHCM và Hà Nội phải đẩy nhanh hơn cả nước. Xe máy và ô tô hoạt động ở đây cũng phải có quy chuẩn cao hơn nhiều ở các địa phương và phải có cơ chế chính sách thực hiện nghiêm.
Khí thải giao thông cũng là một trong những tác nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Việc sử dụng xe cũ, không kiểm soát khí thải cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, tuy nhiên không thể cấm các phương tiện này mà đề xuất những người sử dụng xe cũ, xe có lượng khí thải cao phải có mức đóng góp lớn về phí chất thải hơn bình thường.
Bộ TN&MT khuyến cáo người dân chuyển sử dụng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác. Hà Nội đã cam kết sẽ chuyển đổi các hình thức xử lý rác thân thiện với môi trường; vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức dùng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác, dự kiến đến năm 2021 sẽ chuyển đổi xong. Bộ TN&MT cũng sẽ có chỉ đạo các UBND tỉnh, thành phố quanh Hà Nội có hoạt động nông nghiệp, tuyên truyền, hỗ trợ người dân không đốt rơm rạ; tuyệt đối không đốt chất thải nguy hại.
Đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải O2, CO, NOx, gây nên tình trạng ô nhiễm không khí trên diện rộng
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), khẳng định, ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thể đổ cho thời tiết mà chính do con người. Ở Hà Nội hiện nay, giao thông quá đông đúc, các công trình đang xây dựng quá nhiều nên lượng bụi rất lớn. Hà Nội phải kiểm soát việc xử lý khí thải ngay từ cơ sở, trong các nhà máy, các khu công nghiệp. Phải tìm cách để giảm mật độ lưu thông của các phương tiện cá nhân, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng, vấn đề này phải có biện pháp đồng bộ và phải làm ngay. Cộng với nó là việc đốt rơm rạ ở ngoại thành.
“Cần phải hiểu, thời tiết là tác nhân làm cho bụi, ô nhiễm không phát tán được, khiến ô nhiễm nghiêm trọng hơn, chứ không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm. Để giảm ô nhiễm, cần nghiên cứu, đưa những kỹ thuật tiên tiến vào xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng… để giảm phát sinh bụi. Ngoài ra, ở các vùng ven Hà Nội, người dân có thói quen đốt rơm rạ, chính quyền phải có cách để xóa bỏ tình trạng này. Số lượng cây xanh ở Hà Nội hiện nay là chưa đủ, cần nghiên cứu và trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa để điều hòa không khí”, TS Hoàng Dương Tùng nói.
Bình An