Hà Nội vẫn còn đốt hơn 15.000 bếp than tổ ong mỗi ngày

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 09:30, 07/07/2020

Moitruong.net.vn – Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực hiện Chỉ thị 15 về loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố, đến nay Hà Nội đã giảm chỉ còn hơn 15.000 bếp.

Ngày 3.7, trong khuôn khổ hội nghị “Ra mắt trang web “Hành động vì Hà Nội”, báo cáo đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện Chỉ thị 15 về loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố, bà Lê Thanh Thuỷ – Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến tháng 6 năm 2020, Hà Nội giảm 72,8% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017.

Ô nhiễm không khí có nguyên nhân từ phương tiện giao thông, xây dựng, đốt rơm rạ…, nhưng nhiều người trong chúng ta chưa nhận ra rằng, khói từ đốt bếp than cũng là một trong những nguyên nhân chính đang ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Do lợi ích kinh tế “siêu rẻ”, mộ bộ phận hộ gia đình, hộ kinh doanh vẫn “ưu ái” sử dụng bếp than tổ ong. Ảnh: Tùng Giang.

Các nguyên liệu làm nên than tổ ong cũng không hề thân thiện môi trường. Than tổ ong có thành phần chính từ than cám (than tạp chất), có hàm lượng lưu huỳnh cao, trộn với bùn đất cùng một số chất khác như dầu nhớt đã qua sử dụng, nén lại thành viên có dạng như tổ ong.

Theo đó, vào tháng 1 năm 2017 Hà Nội có 56.670 bếp than tổ ong, đến nay còn 15.418 bếp. Theo đánh giá, việc giảm bếp than tổ ong giúp giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ nấu ăn cho 160.000 hộ gia đình ở Hà Nội.

Số liệu khảo sát của Sở TNMT, năm 2017, Hà Nội đã tiêu thụ trung bình khoảng 528,2 tấn than/ngày, tương đương với việc phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí. Đặc biệt khu vực nội thành bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu, đốt bếp than sẽ thải ra môi trường các chất khí độc hại như khí CO, SO2, NOx và bụi PM. Khi hút phải các loại khí độc này, về lâu dài sẽ gây các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng chức năng phổi, gây tổn thương hệ thần kinh và suy giảm khả năng miễn dịch.

Ngoài ra, bếp than tổ ong đặt bừa bãi trên vỉa hè, dưới lòng đường… cũng gây cản trở các hoạt động giao thông của người dân và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, cháy nổ.

Bà Lê Thanh Thuỷ – Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường. Ảnh: Nguyễn Hà

Theo báo cáo kết quả thực hiện ở các quận, huyện, 4 quận huyện giảm được số lượng bếp than tổ ong nhiều nhất là Hoàn Kiếm (100%), huyện Sóc Sơn (99%), huyện Ứng Hoà (98%), quận Long Biên (91%). Cả 4 quận, huyện này đã giảm tổng số bếp than từ 14.817 trong năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6 năm 2020.

“Những lợi ích sức khoẻ lớn nhất được ghi nhận ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên và Ứng Hoà, nơi hơn 70.000 dân cư sẽ không còn tiếp xúc với các chất ô nhiễm có hại từ việc nấu nướng bằng bếp than tổ ong” – bà Thanh Thuỷ cho biết.

Hà Nội hướng đến mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong cuối năm 2020. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, 4 quận, huyện là Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai đều có hơn 1.500 bếp than tổ ong tính tới tháng 6 năm 2020. 4 quận, huyện này chiếm tới 46% lượng khí thải PM2,5 từ bếp than tổ ong tính tới tháng 6.2020.

Bốn quận huyện giảm được số lượng bếp than tổ ong nhiều nhất là quận Hoàn Kiếm (100%), huyện Sóc Sơn (99%), huyện Ứng Hòa (98%), quận Long Biên (91%). Cả bốn quận, huyện này đã giảm tổng số bếp than từ gần 15.000 bếp trong năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6-2020.

Về lộ trình cắt giảm, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ở Hà Nội, Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay từ nay cho đến ngày 31-12, thành phố sẽ yêu cầu người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đầu tháng 11.2019, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành chỉ thị về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thành phố hướng đến loại bỏ hoàn toàn than tổ ong trước năm 2021.

Nguyệt Minh

Nguyệt Minh