Rác thải nhựa đổ xuống đại dương có nguy cơ tăng gấp 3 lần vào năm 2040
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 12:30, 26/07/2020
Lượng rác thải nhựa đổ xuống đại dương có nguy cơ tăng gấp 3 lần trong 20 năm tới nếu các chính phủ và doanh nghiệp trên thế giới không hành động quyết liệt nhằm giảm mạnh các hoạt động sản xuất nhựa. Đây là nghiên cứu các tổ chức The Pew Charitable Trusts và SYSTEMIQ được công bố trên tạp chí Science ngày 23/7.
Trên toàn cầu, có khoảng 5 nghìn tỷ túi ni lông được sử dụng hàng năm, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nước nhựa được mua và 90% chai nước có chứa các hạt nhựa. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính, trong vòng 10-15 năm tới, tổng sản xuất nhựa toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi.
Phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Mỗi phút trôi qua, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa
Nhựa là một phần không tách rời của nền kinh tế, chi phí thấp, công năng và độ bền vượt trội; được sử dụng trong tất cả các ngành, chủ yếu trong các ngành bao bì, đóng gói với 40%, xây dựng 20%, ô tô 9%, điện và điện tử 6%, nông nghiệp 3%. Tổng sản lượng nhựa tăng từ 1,5 triệu tấn/năm những năm 1950 lên hơn 380 triệu tấn/năm hiện nay. Quản lý nhựa trên toàn cầu vẫn ở mức kém khi chỉ có 9% được tái chế, 12% được đốt và gần 70% chôn lấp hoặc thải bỏ.
Theo nghiên cứu, nếu các chính phủ và giới doanh nghiệp không hành động, lượng rác thải nhựa đổ ra biển sẽ tăng từ 11 triệu tấn lên 29 triệu tấn mỗi năm. Đến năm 2040, lượng rác thải nhựa tồn tại trong đại dương sẽ lên đến 600 triệu tấn.
Nghiên cứu cũng cho thấy lượng nhựa sản xuất hàng năm vẫn tăng nhanh kể từ khi tổng sản lượng nhựa toàn cầu đạt 2 triệu tấn năm 1950. Con số này là 348 triệu tấn vào năm 2017 và dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2040.
Các nhà sản xuất nhựa lớn trên thế giới dù cam kết giải quyết vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa, song vẫn tăng cường sản xuất các sản phẩm từ nhựa và chỉ tập trung tài trợ các dự án vệ sinh môi trường. Một số đối tác lớn của họ là những tập đoàn như Coca-Cola, PepsiCo, Nestle và Unilever đều cam kết tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế trong sản phẩm.
Các mục tiêu chính làm việc với doanh nghiệp để tới năm 2030 có 100% nhựa có thể tái sử dụng, tái chế hoặc khi những giải pháp thay thế không tồn tại, thì có thể phục hồi được; tăng lượng tái chế thêm ít nhát 50% trong các sản phẩm nhựa phù hợp; có thể tái chế và tái sử dụng ít nhất 55% bao bì nhựa và tới năm 2040, phục hồi được 100% tất cả các loại nhựa. Cam kết hành động trên toàn bộ 5 trụ cột gồm thiết kế, sản xuất bền vững, thị trường cho sản phẩm nhựa sau khi đã sử dụng; thu gom, quản lý và các hệ thống khác, cơ sở hạ tầng; lối sống bền vững và giáo dục nâng cao nhận thức; nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và công nghệ mới; hành động tại khu vực ven biển và các đường bờ biển.
Để giảm 80% lượng rác thải nhựa ở đại dương, các nhà nghiên cứu cho rằng cần sử dụng các vật liệu có thể phân hủy để thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần. Các bao bì đóng gói nên được thiết kế lại để tăng gấp đôi lượng sử dụng vật liệu có thể tái chế.
Giới nghiên cứu cũng khuyến nghị chính phủ các nước đang phát triển chuyển hướng đầu tư hàng trăm tỷ USD từ hoạt động sản xuất nhựa sang các vật liệu thay thế nhựa dùng một lần, các cơ sở tái chế và thu gom rác thải. Nghiên cứu cũng kêu gọi các chính phủ thực thi những điều luật nhằm hạn chế ngành sản xuất nhựa và có nhiều trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu tái chế.
Ngọc Linh (t/h)