Cần Thơ: Sắp đón hai đợt triều cường lớn với mức báo động 3
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:03, 23/10/2018
Sau đợt triều cường “lịch sử” gây ngập lụt nghiêm trọng khu vực trung tâm cách đây nửa tháng, Cần Thơ lại tiếp tục đón hai đợt triều cường mới với dự báo mực nước sẽ vượt trên báo động 3 trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 tới.
>>>Sông Mekong: Những phát hiện mới về sự hình thành
>>>Khánh Hoà: Lên kế hoạch tổ chức cho Festival Biển lần thứ 9
Cả tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Ninh Kiều vẫn còn ngập sâu trong nước. (Ảnh: TTXVN)
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Cần Thơ, mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch TP.Cần Thơ sẽ tiếp tục lên nhanh và ở mức cao trong những ngày tới.
Cụ thể, đỉnh của đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch sẽ xuất hiện trong các ngày 25 – 27/10 (ngày 17 – 19/9 âm lịch) với mực nước đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu có khả năng lên 2,00 – 2,05 m (trên báo động 3 là 0,10 – 0,15 m). Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường có khả năng đạt cấp độ 3.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của triều cường, đảm bảo an toàn về người, tài sản và đời sống sinh hoạt của người dân, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Đài Khí tượng thủy văn Cần Thơ có dự báo sớm, kịp thời, chính xác mực nước đỉnh triều; tham mưu UBND TP các giải pháp cụ thể chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương có biện pháp ứng phó kịp thời với triều cường, không để bị động.
Ngoài ra, tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao; huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tập trung gia cố, chống tràn, bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao trọng điểm; rà soát lại phương án chủ động đảm bảo an toàn cho dân cư trong trường hợp các tuyến bờ bao, đê bao bị tràn, vỡ…
Đồng thời, rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch và tại các khu vực ngập lụt để có các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tổ chức sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh đuối nước trong mùa lũ; tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung an toàn, đưa đón học sinh; căn cứ vào dự báo tình hình triều cường, triển khai phương án điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các em học sinh, giáo viên tại các khu vực ngập sâu…
Sở Xây dựng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước, vận hành van ngăn triều, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công viên trên địa bàn đô thị, đặc biệt là các tuyến đường, khu vực có nguy cơ ngập cao.
Sở Y tế tăng cường công tác giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh truyền nhiễm sau khi nước rút, đặc biệt lưu ý các bệnh: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp nghi ngờ dịch tả, thương hàn, lỵ… củng cố các “Đội điều trị lưu động,” “Đội chống dịch lưu động” sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có nhu cầu. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị chuyên dùng cho việc cấp cứu và điều trị ca bệnh khi có yêu cầu; đảm bảo đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra.
Ở các địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao ven sông để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố xảy ra; làm tốt công tác hộ đê đảm bảo an toàn cho các khu dân cư và vùng sản xuất trong đê bao.
Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng, hậu cần, phương tiện, vật tư) để xử lý ngay khi có sự cố xảy ra, đặc biệt cần tập trung bảo vệ các khu vực trọng điểm, xung yếu như các cồn, ven sông, ngoài đê, các tuyến đê bao vườn cây ăn trái, khu nuôi thủy sản, khu vực đã và đang có nguy cơ sạt lở… không để xảy ra tình trạng vỡ đê bao.
Võ Tùng (t/h)