Rác thải y tế – Bài 3: Những điểm cơ bản trong thông tư liên tịch số 58 về quản lý chất thải y tế
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:30, 23/07/2020
Việc thực hành phân loại rác thải y tế đúng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác quản lý chất thải y tế, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần giảm thiểu số lượng chất thải y tế nguy hại phải tiêu hủy, xử lý.
Các nguyên tắc cơ bản của phân loại chất thải y tế
Chất thải rắn y tế nếu không được phân loại, thu gom, quản lý và xử lý tốt sẽ là nguồn lây lan bệnh tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Việc phát sinh các loại chất thải rắn y tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy trình quản lý, loại hình cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa, tỷ lệ các vật tư tái sử dụng được dùng trong hoạt động của bệnh viện và tỷ lệ bệnh nhân được chăm sóc và điều trị tại cơ sở trong ngày.
Việc phân loại chất thải y tế dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản sau:
1. Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh;
2. Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định tại Điều 5 Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa;
3. Khi chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác hoặc ngược lại thì hỗn hợp chất thải đó phải được thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm.
Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định hướng dẫn phân loại và quy định về mã màu sắc, biểu tượng đối với các loại chất thải y tế như sau:
Việc phân loại chất thải y tế dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản
Cách phân loại các chất thải trong bệnh viện
Chất thải tại cơ sở y tế& bệnh viện được chia làm 5 loại khác nhau như: 1. chất thải thông thường, 2. chất thải y tế, 3. chất thải hóa học, 4. chất thải phóng xạ và 5. các vật chứa có áp suất.
Chất thải thông thường: Là các loại rác thải sinh hoạt phát sinh thong thường bao gồm các hộp các tông, giấy, thức ăn, chai nhựa, lọ thủy tinh.
Chất thải y tế có 5 nhóm gồm:
Chất thải gây lây nhiễm: Nhóm chất thải gây lây nhiễm gồm băng gạc bẩn, bông, đồ băng bó, quần áo, găng tay, gạc, tất cả các vật tư hay thiết bị tiếp xúc với máu và chất thải của người bệnh
Các vật sắc nhọn: Nhóm các vật sắc nhọn gồm xy ranh, kim tiêm, dao mổ, kéo mổ, thủy tinh vỡ, ống hút, lưỡi dao và các vật dụng khác có đầu nhọn hoặc cạnh sắc hay vật dụng dễ vỡ trong quá trình vận chuyển và tạo thành đầu nhọn, cạnh sắc hoặc đã qua sử dụng nhưng chúng có thể cắt hoặc đâm thủng.
Chất thải y tế từ phòng thí nghiệm: Nhóm chất thải y tế từ phòng thí nghiệm gồm găng tay, ống nghiệm, các vật cấy, cất giữ các chất gây bệnh, túi máu và các chất thải khác từ phòng thí nghiệm để nghiên cứu bệnh tật, huyết học, truyền máu, vi sinh học, nghiên cứu mô học
Chất thải dược phẩm: Chất thải dược phẩm gồm thuốc quá hạn sử dụng hoàn trả lại, thuốc phòng bệnh, thuốc bị đổ hoặc hư hỏng hay phải bỏ đi vì không cần giữ các chất trị xạ.
Chất thải bệnh phẩm: Chất thải bệnh phẩm gồm mô người có thể bị nhiễm bệnh hay không nhiễm bệnh, nội tạng, các chi, các bộ phận cơ thể người, nhau thai và các thi thể người, xác động vật và mô động vật phòng thí nghiệm…
Chất thải hóa học: Rác thải hóa học từ nhiều nguồn, chủ yếu từ hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán bao gồm: Chất thải không độc hại; Chất đường, amino axit; Các loại muối vô cơ, hữu cơ; Các chất độc hại như formaldehyde; Các hóa chất trong định hình, dung môi, trichlore ethylene; Hóa chất vô cơ, hữu cơ.
Chất thải phóng xạ: Rác thải có hoạt độ riêng như các chất phóng xạ, chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động chẩn đoán, hoá trị liệu và nghiên cứu hoặc các chất thải từ mẫu bệnh phẩm có chứa phóng xạ. Có 3 thể đó là: Rác thải phóng xạ rắn: vật liệu sử dụng trong xét nghiệm chẩn đoán như ống tiêm, bơm tiêm, giấy thấm…; Rác thải phóng xạ lỏng: dung dịch chứa nhân tố phóng xạ để điều trị, chất bài tiết; Rác thải phóng xạ khí: khí dùng trong lâm sàng, khí từ kho chứa chất phóng xạ.
Các vật chứa có áp suất: Bình chứa khí có áp suất như bình CO2, O2, Gas, bình khí dung, bình khí dùng 1 lần, xy ranh khí nén, can nước … các bình này dễ gây cháy nổ, khi xử lý cần phân loại riêng.
Quy định việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế
Theo quy định về nguyên tắc chung, việc phân loại rác thải y tế phải được thực hiện càng gần nơi thải ra càng tốt. Các chất thải y tế độc hại không được để lẫn với các chất thải thông thường.
Các túi và vật chứa để thu gom chất thải y tế được quy định màu vàng cho các nhóm thuộc chất thải y tế, màu xanh cho chất thải thông thường và màu đen cho chất thải hóa chất, các chất phóng xạ và trị xạ.
Các túi thu gom rác theo quy định tiêu chuẩn là loại nhựa polyethylene và polyprepylene, dung tích tối đa 0,1 m2 và phải được đánh dấu ở mức đầy là 2/3 của túi.
Các dụng cụ chứa chất thải sắc, nhọn theo tiêu chuẩn quy định là phải được làm từ vật liệu rắn, có thể tiêu hủy bằng đốt. Các dụng cụ chứa loại chất thải này phải có dung tích phù hợp cho nhiều loại chất thải sắc, nhọn khác nhau và phải có tay cầm, nắp đậy. Thùng đựng rác loại này phải có màu vàng và có vạch ngang đánh dấu mức 2/3.
Tiêu chuẩn đối với dụng cụ chứa chất thải là vật chứa chất thải phải được làm từ polyethylene và có nắp. Nếu dụng cụ chứa to thì phải có bánh xe đẩy. Dụng cụ chứa phải cùng màu với túi đựng và phải được đánh dấu ở mức 2/3.
Việc thu gom chất thải phải gọn gàng từ nơi thải ra đến nơi chứa. Các chất thải y tế phải được đựng trong túi nhựa có màu theo quy định và phải được buộc chặt lại.
Nơi chứa chất thải tại các cơ sở y tế phải cách xa an toàn nơi chứa thức ăn hoặc khu vực nấu ăn, phải được khóa để tránh những người không có nhiệm vụ tùy tiện ra vào, phải có thiết bị lau rửa, quần áo bảo hộ và các túi rác hoặc thùng chứa phải được bố trí ở nơi thuận tiện; phải có lối đi cho xe thu gom rác vào được dễ dàng và phải gần nguồn nước để vệ sinh. Tất cả các chất thải chứa trong đó phải xa ánh sáng mặt trời và các chất thải độc hại phải được tách riêng khỏi chất thải thông thường.
Trong các bệnh viện, chất thải được thải ra hàng ngày và thời gian lưu giữ chất thải độc hại là 48 giờ. Đối với các cơ sở y tế nhỏ, thời gian lưu giữ các chất thải nhóm chất thải gây lây nhiễm, các vật sắc nhọn, chất thải y tế từ phòng thí nghiệm và chất thải dược phẩm không được quá 1 tuần; riêng chất thải nhóm chất thải bệnh phẩm thì phải được đốt hoặc chôn ngay.
Việc vận chuyển chất thải y tế ra ngoài cơ sở y tế bắt buộc các cơ sở y tế phải ký hợp đồng dịch vụ vận chuyển và xử lý rác thải y tế được các cấp chính quyền địa phương phê duyệt đủ tiêu chuẩn để vận chuyển chất thải y tế ra ngoài cơ sở y tế và cần có biên lai xác nhận việc thực hiện từng đợt.
Đối với công nghệ xử lý và tiêu hủy chất thải, các cơ sở y tế trong thành phố cần có một trung tâm lò đốt ở trong khu vực đó. Các đơn vị y tế trong các thị trấn cần có một lò đốt cho một cụm các cơ sở hoặc mỗi cơ sở có một lò đốt. Biện pháp chôn lấp chỉ nên áp dụng cho các cơ sở y tế không có lò đốt rác. Chất thải phải được chôn tại đúng nơi quy định và phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường cho phép.
Bước xử lý ban đầu gồm đun sôi, khử hóa chất và biện pháp dùng nhiệt độ sấy khô hoặc ướt chỉ được áp dụng cho chất thải nhóm chất thải y tế từ phòng thí nghiệm và các vật liệu, thiết bị dùng để chữa trị cho bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS, giang mai hoặc bệnh lao.
Vàng, đen, xanh và trắng là những màu sắc tương ứng với từng nhóm chất thải y tế
Quy đinh về màu sắc thùng đựng rác thải y tế
Màu sắc của thùng chứa rác thải y tế được quy định cụ thể như sau:
– Màu Vàng hoặc tông màu vàng: Chất thải lây nhiễm.
– Màu Đen: Chất thải hóa học nguy hại gây độc tế bào hoặc chất thải phóng xạ.
– Màu Xanh hoặc tông màu xanh: Chất thải thông thường.
– Màu Trắng hoặc tông màu trắng: Chất thải có khả năng tái chế.
An Nhiên