Lượng phát thải khí methane toàn cầu tăng 9% trong thập kỷ qua
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 00:30, 18/07/2020
Ngày 15/7, một nghiên cứu quy mô quốc tế đã chỉ ra rằng lượng phát thải khí methane (CH4) đã tăng 9% trong thập kỷ qua, do nhu cầu năng lượng và thực phẩm “không có điểm dừng” của con người.
Methane (CH4) là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Nó được sinh ra từ các quá trình sinh học, như sự men hoá đường ruột của động vật có guốc, cừu và những động vật khác, sự phân giải kỵ khí ở đất ngập nước, ruộng lúa, cháy rừng và đốt nhiên liệu hoá thạch. CH4 thúc đẩy sự ôxy hoá hơi nước ở tầng bình lưu. Sự gia tăng hơi nước gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn nhiều so với hiệu ứng trực tiếp của CH4. Hiện nay hàng năm khí quyển thu nhận khoảng từ 400 đến 765x1012g CH4.
Khí CH4 có khả năng làm Trái Đất ấm lên cao hơn nhiều lần so với khí CO2. Cụ thể, tính trong 100 năm, khí methane có khả năng làm Trái Đất ấm lên cao hơn gấp 28 lần so với khí CO2 và nếu tính trong 20 năm, mức chênh lệch có thể lên đến hơn 80 lần.
Mật độ khí CH4 trong bầu khí quyển đã tăng hơn gấp đôi kể từ thời kỳ cách mạng công nghiệp.
Theo các nhà nghiên cứu, khí CH4 có khả năng hấp thụ nhiệt rất mạnh từ Mặt Trời, do đó khi lượng khí này tăng cao trong bầu khí quyển, nhiệt độ Trái Đất theo đó sẽ tăng nhanh. Ngày nay, khoảng 60% lượng khí CH4 bắt nguồn từ các hoạt động của con người, phần còn lại phát thải từ các đầm lầy và các nguồn tự nhiên khác. Khoảng 1/3 lượng khí CH4 do con người tạo ra chủ yếu là từ hoạt động đốt các nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà nghiên cứu khí hậu hàng đầu cảnh báo mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, vốn đã được 196 quốc gia thống nhất đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, thực sự là một “thách thức lớn” nếu việc giảm lượng phát thải khí methane không được quan tâm xác đáng và tiến hành nhanh chóng.
Mặc dù lượng khí thải nhà kính được kỳ vọng giảm xuống trong năm nay do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nhiều hoạt động ngừng trệ, nhưng mật độ CH4 trong khí quyển vẫn đang gia tăng mỗi năm. Xu hướng này củng cố cho giả thuyết do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu rằng đến năm 2100, Trái Đất sẽ nóng lên từ 3-4 độ C.
Lượng khí methane (CH4) gây hiệu ứng nhà kính tăng mạnh trong một thập kỷ qua.
Các nhà khoa học nhấn mạnh cho đến nay, các nỗ lực nhằm giảm mức tăng nhiệt của Trái Đất chủ yếu vẫn tập trung vào việc giảm lượng khí CO2 phát thải từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người – vốn là nguyên nhân dẫn tới 70% mức tăng nhiệt toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay cả khi lượng phát thải khí CO2 đã nằm trong ngưỡng tăng “ổn định”, thì lượng khí CH4 – thủ phạm gây ra 20% mức tăng nhiệt độ toàn cầu, lại “nhảy vọt” và khó kiểm soát.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện 22% lượng CH4 do con người tạo ra liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng các loại dầu mỏ và khí đốt, trong khi 11% đến từ các mỏ than đá.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây dựa trên các phương pháp đo đạc mới bằng dữ liệu vệ tinh lại chỉ ra rằng lượng khí CH4 mà ngành công nghiệp dầu khí phát thải có thể cao hơn nhiều so với thống kê của dự án nói trên, vốn chỉ bao gồm dữ liệu đến năm 2017.
Nhìn chung, lượng khí CH4 thải ra môi trường có xu hướng tăng lên, nhưng biến động khác nhau ở từng khu vực. Châu Phi, Trung Quốc và châu Á, mỗi khu vực thải ra từ 10-15 triệu tấn CH4/năm, trong khi con số này ở Mỹ là 4-5 triệu tấn, châu Âu là khu vực duy nhất có mức phát thải CH4 giảm từ 2-4 triệu tấn kể từ năm 2006.
Trong khi đó, Liên hợp quốc cho rằng để đạt mục tiêu tham vọng hơn nữa trong Hiệp định Paris về mức nhiệt nóng lên dưới 1,5 độ C, tất cả lượng khí thải nhà kính phải giảm 7,6%/năm trong thập kỷ này.
Đan Linh (t/h)