Hơn 90% dân số thế giới đang hít thở bầu không khí độc hại

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 00:30, 22/08/2020

Moitruong.net.vn – Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có đến 90% dân số đang phải hít thở bầu không khí chất lượng kém, kèm theo đó là những nguy cơ bệnh tật và các mối nguy hiểm khôn lường tới sức khỏe.

Báo cáo này của WHO kêu gọi các nước cùng hành động để chống lại ô nhiễm môi trường khiến cho hơn 6 triệu người tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Với việc sử dụng biểu đồ tương tác mới, Cơ quan Liên Hợp Quốc thấy rằng 92% dân số trên thế giới đang sống ở những nơi mà mức ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn cho phép của WHO.

90% số ca thương vong do chất lượng không khí kém là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, bản đồ này xác định những khu vực đặc biệt nơi có mức độ ô nhiễm ở mức báo động.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm: Các hạt bụi mịn (PM2.5 và PM10), oxit nitơ (NOx), oxit lưu huỳnh (SOx), carbon monoxit (CO), chì (Pb), ozone (O3) tầng mặt đất, các hạt vật chất khí quyển lơ lửng.

Chất gây ô nhiễm có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người tạo ra, có hai loại gồm sơ cấp và thứ cấp. Các chất gây ô nhiễm được phân loại sơ cấp và thứ cấp, trong đó chất gây ô nhiễm thứ cấp bao gồm sương khói (chủ yếu đến từ lượng khí thải xe cộ và công nghiệp), ozone tầng mặt, peroxyacetyl nitra… Chất gây ô nhiễm sơ cấp thường được phát thải từ các quá trình như tro từ phun trào núi lửa, hay hoạt động sản xuất.
Báo cáo mới được công bố dựa trên dữ liệu được thu thập từ hơn 3.000 địa điểm trên khắp toàn cầu. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, có đến 92% người dân trên toàn thế giới đang phải sinh sống và làm việc ở những nơi có chất lượng không khí tệ hại, mức độ ô nhiễm vượt quá mức mà WHO quy định.

Dữ liệu trên tập trung vào đo lường các loại vật chất dạng hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, hay còn gọi là PM2.5. Loại vật chất này bao gồm các chất độc hóa học như Sulfate và carbon đen, có khả năng thâm nhập sâu vào phổi hay hệ tim mạch của con người. Không khí có chứa trên 10 microgram PM2.5 trên mỗi mét khối được xem là không đạt tiêu chuẩn sức khỏe.

Ở một số khu vực, dữ liệu mà vệ tinh đã thu được mức độ PM2.5, nhưng ở phần lớn các nước đang phát triển vệ tinh không thể thu thập được dữ liệu, khiến cho WHO buộc phải dựa vào các ước tính của họ.

Sử dụng các phương pháp này, các nhà nghiên cứu có thể phân biệt giữa ô nhiễm không khí tự nhiên như bụi, cháy rừng và ô nhiễm không khí do con người gây ra như phát thải, do đốt các nhiên liệu hóa thạch tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, phát thải do hoạt động công nghiệp, hoạt động giao thông và xây dựng các hạ tầng đô thị; đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác và xử lý rác thải ngoài môi trường…

Ước tính 91% dân số thế giới đang hít thở không khí bẩn

Các vùng bị ô nhiễm không khí nhiều nhất tập trung ở khu vực vực Tây Á và Đông Nam Á. Theo dữ liệu mới nhất, 97% thành phố ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình với hơn 100.000 dân không đáp ứng các tiêu chuẩn về không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Với các nước có thu nhập cao, tỉ lệ giảm xuống 49%.

Một thống kê đầu năm nay của Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng, 7 trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ. Theo Tổ chức Giám sát chất lượng không khí AirVisual và Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), thì vào năm 2018, Gurugram là thành phố có mức độ ô nhiễm nặng nhất thế giới. Tổng cộng 18 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới thuộc về các nước Nam Á.

Tại Australia, khói từ hơn 150 đám cháy hoành hành ở cả bờ Đông và bờ Tây đã bủa vây lấy thành phố Sydney, khiến chất lượng không khí nơi đây xuống thấp trầm trọng hồi đầu năm nay. Bụi mịn PM2.5 có thể bay rất xa từ các đám cháy. Vào ngày 2/1, thủ đô Caberra của Australia đạt chất lượng không khí xấu kỷ lục, PM2.5 vượt mức 200 µg/m3. Tháng 12/2019, Sydney cũng ghi nhận chất lượng không khí xấu nhất từng có với lượng PM2.5 đạt gần ngưỡng 400 µg/m3, mức độ độc hại theo xếp hạng của WHO, nghĩa là mọi người đều có thể gặp phải tác động nguy hại tới sức khỏe.

Khói bụi từ các vụ cháy rừng ở Australia còn bay hàng nghìn dặm sang tận New Zealand, làm bầu trời nước láng giềng chuyển sang màu cam. Cháy rừng sản sinh ra chất ô nhiễm không khí nguy hại (HAP). HAP có thể gây biến chứng sức khỏe đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và những ai đã mắc các vấn đề về phổi, tim hay gan. Ở bang New South Wales, chỉ trong ngày 1/1, số ca bệnh hen suyễn đã tăng lên 25%.

Châu Âu không phải ngoại lệ. Năm 2017, Bulgaria là nước thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) bị tòa án châu Âu kết tội không tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng không khí. Trong báo cáo công bố ngày 16/10/2019, Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) khẳng định, ô nhiễm không khí là mối nguy hiểm môi trường tác động lớn nhất tới sức khỏe của con người. Cùng năm, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã yêu cầu Tòa án Công lý EU có những biện pháp xử phạt đối với hai nước là Bulgaria và Tây Ban Nha do vi phạm các quy định về đảm bảo chất lượng không khí cũng như cảnh báo các nước thất bại trong việc bảo vệ người dân đối phó với tình trạng ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí là vấn đề được nhắc đến trong nhiều năm qua tại Anh. London luôn là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Âu dù đã có nhiều giải pháp tiếp cận khắc phục vấn đề này từ lâu.

Ngọc Mai

Ngọc Mai