Ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông – (Bài 3): Nỗ lực tạo chuyển biến
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 13:01, 20/08/2020
Ô nhiễm môi trường hiện được xác định chủ yếu đến từ 3 nguồn: Hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ lĩnh vực giao thông là lớn nhất. Cả nước hiện có gần 60 triệu mô tô, xe máy, được coi là “thủ phạm” chính thải ra 80%-90% khí CO (carbon monoxide), HC (hydro carbon), 50% lượng NOx (oxit nitơ) trong tổng lượng phát thải của xe cơ giới.
Là hai đô thị lớn nhất cả nước nên Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sự ô nhiễm này. Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu mô tô, xe máy, còn thành phố Hồ Chí Minh có gần 7,8 triệu chiếc. Số lượng mô tô, xe máy chiếm khoảng 90% tổng lượng phương tiện xe cơ giới tại 2 địa phương này.
Từng bước loại bỏ xe “hết đát”
Trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường, dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) mới đây đang lấy ý kiến, đã đưa nội dung kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vào. Trong đó đề xuất mở rộng đối tượng đối với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành.
Sau khi luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ lộ trình cụ thể để triển khai công tác kiểm định khí thải đối với mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Quá trình xây dựng lộ trình sẽ lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động để nhân dân có thời gian chuẩn bị, thích ứng đem lại hiệu quả về cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố.
Phương tiện giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn.
“Chắc chắn không triển khai thực hiện kiểm tra khí thải đồng loạt với toàn bộ mô tô, xe gắn máy đang lưu hành mà sẽ có lộ trình theo thời gian, địa bàn, đối tượng”, ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới – Cục Đăng kiểm nói và cho biết lộ trình thực hiện sẽ được xây dựng thận trọng, theo từng phạm trù như: lộ trình về thời gian (chia ra nhiều giai đoạn), lộ trình về đối tượng (ví dụ lựa chọn các xe phân khối lớn trước, xe cũ trước), lộ trình về địa bàn…
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, nguyên Cục phó Cục Đăng kiểm, điểm vướng lớn nhất chính là việc kiểm soát khí thải với xe máy, đối tượng chịu tác động nếu kiểm soát xe máy đa phần là người có thu nhập thấp, bà con nông dân đi họp chợ. Năm 2010, khi đề xuất đề án kiểm soát khí thải xe máy, Cục đã phân tích đề nghị xem xét kỹ tác động này. Nếu đưa việc kiểm soát khí thải xe máy vào luật phải có lộ trình. Trước hết, thực hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, bắt đầu từ các quận nội thành. Ngoài ra, theo kinh nghiệm các nước, sẽ áp dụng với các xe phân khối lớn trước.
“Các TP lớn đều rất muốn thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, nhưng vẫn vướng do chưa có quy định. Nếu việc này đưa luật hóa, Hà Nội hay TP.HCM có thể kiểm soát khí thải trước tại các quận nội thành, song không cấm tuyệt đối mà tạo lộ trình cho người dân loại bỏ dần xe máy cũ không đạt chuẩn khí thải”, ông Trí nhìn nhận.
Lộ trình kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy
Xe mô tô, xe gắn máy là loại phương tiện có tốc độ tăng trưởng nhanh, số lượng lớn, do đặc thù sử dụng, xe mô tô, xe gắn máy đã trở thành một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là các đô thị lớn; việc kiểm soát hoạt động cũng như kiểm soát khí thải của xe mô tô, xe gắn máy đã, đang trở thành mối quan tâm của chính quyền các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy định về việc kiểm soát khí thải đối với xe mô tô tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông cần gắn với quy định về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; nội dung này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe máy cần có lộ trình khoa học, cụ thể.
Vì vậy, ngày 19/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 566/VPCP-CN chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải “Tiếp tục nghiên cứu quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và quy định về kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ Giao thông vận tải xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Bộ rà soát bổ sung quy định về kiểm soát khí thải xe cơ giới trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ làm cơ sở để triển khai thực hiện. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành việc đánh giá tác động chính sách và đưa vào dự thảo đề cương sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, nên sớm áp dụng các biện pháp đăng kiểm và kiểm tra khí thải đối với xe máy. Theo đó, xe máy cũng phải đưa vào kiểm định định kỳ cả về độ an toàn và tiêu chuẩn khí thải, không chỉ xe cũ mà ngay cả xe mới nếu xuống cấp, không đáp ứng an toàn về khí thải cũng không cho sử dụng. Đối với xe máy đã quá hạn sử dụng cần thu hồi lại với một giá chấp nhận được để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, cũng cần có những chế tài xử phạt đối với những phương tiện vi phạm quy định về lượng khí phát thải. Song song với đó là việc phát triển phương tiện công cộng và kêu gọi sử dụng năng lượng sạch… nhằm góp phần giảm được ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung.
Hồng Anh