Xử lý dứt điểm ô nhiễm tại các lưu vực sông ở Hà Nội

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 06:00, 20/10/2020

Moitruong.net.vn – Trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông Tô Lịch, lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy vẫn diễn ra trầm trọng. Mới đây, Đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội đã đề cập đến vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, ô nhiễm các dòng sông trong buổi làm việc trước kỳ họp thứ X, QH khóa XIV.

Sáng 19/10 Đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội có cuộc làm việc với thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội trước kỳ họp thứ X, QH khóa XIV. Tại đây, những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, ô nhiễm các dòng sông được nhiều ĐBQH đề cập.

Tại cuộc làm việc, ĐBQH TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Hà Nội cần nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành bằng việc phát triển kinh tế sạch đồng thời giảm ô nhiễm môi trường. Muốn làm được những điều này phải quy tụ những trí thức giỏi.

Về quản lý môi trường, nhất là các dòng sông. Bà Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ sự vui mừng khi thấy báo cáo có đề cập đến quy hoạch thu gom xử lý nước thải, bổ cập nước cho Tô Lịch, Nhuệ, Đáy và mong muốn TP xử lý nhanh hơn, trong nhiệm kì này để xử lý dứt điểm nước sông Tô Lịch để vận khí của Thủ đô sáng lên.

Ảnh minh họa

Sông Tô là dòng sông lịch sử, phải tấp nập trên bến dưới thuyền chứ không thể để tình trạng cống xả thải lộ thiên bức tử các dòng sông như hiện nay. Nhiều năm qua, hoạt động kinh tế – xã hội trên các lưu vực sông lớn hoặc cửa sông ven biển nói chung, lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy nói riêng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội cho đất nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho số lượng lớn người lao động.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông Tô Lịch, lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy nói riêng, các lưu vực sông lớn, cửa sông ven biển nói chung đang ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do nước thải sinh hoạt của nhân dân ở các quận nội thành Hà Nội đổ vào sông Tô Lịch và từ đó chảy vào sông Nhuệ. Ngoài ra, sông Nhuệ còn là nơi tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý; tình trạng đổ phế thải, rác thải xuống các sông chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Trước thực trạng trên, ngay từ những năm 2000, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và 5 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy thực hiện quyết liệt các kế hoạch, chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông.

Kết quả đã đạt được là hệ thống chính sách, pháp luật để BVMT nói chung, môi trường nước nói riêng đến nay đã và đang tiếp tục được hoàn thiện, là căn cứ pháp lý quan trọng để thúc đẩy các hoạt động BVMT ở các lưu vực sông nói chung, sông Nhuệ – sông Đáy nói riêng.

Để triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về BVMT nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và 05/05 tỉnh, thành phố có lưu vực sông Nhuệ – Đáy thực hiện quyết liệt các kế hoạch, chương trình của Chính phủ, đặc biệt là các đề án tổng thể BVMT lưu vực sông.

Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, Hà Nội cần xử lý dứt điểm vấn đề rác thải Nam Sơn. Không để tình trạng dân sống trong ô nhiễm, chịu mùi hôi thối để rồi chặn xe rác như thời gian qua.

Đây là thời điểm góp ý cho Luật Bảo vệ môi trường ĐBQH Nguyễn Thị Lan nói. Theo bà Lan các cấp các ngành cần phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Bảo vệ môi trường để tạo cơ chế, chế tài bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, cần tích hợp quy hoạch môi trường vào quy hoạch chung của TP để triển khai bảo vệ môi trường một cách đồng bộ. Bà Lan cũng đề xuất Hà Nội nên dành ngân sách cho đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, làm sao để Hà Nội là trung tâm khoa học đổi mới sáng tạo đầu não của cả nước. Nếu Hà Nội có thể tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài về chuyển giao cho các địa phương khác sẽ tạo ra sự đột phá trong nhiệm kỳ này.

Trả lời về vấn đề xử lý nước thải ra các dòng sông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, Hà Nội đã và đang triển khai nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, có 4 gói thầu đều đang triển khai rồi.

Theo đó, sẽ thu gom toàn bộ nước thải ra sông xử lý sạch mới xả ra môi trường. Hiện dự án đang thi công những tuyến ống thu gom nước thải. Về nghiên cứu bổ cập nước cho sông Tô Lịch, Hà Nội đang lựa chọn 1 trong 2 phương án. Thứ nhất, đưa vào sông Hồng dẫn vào Hồ Tây xử lý rồi bổ cập lại sông Tô lịch. Thứ 2, xả thẳng vào Hồ Tây rồi bổ cập lại cho sông Tô, các phương án này đang được nghiên cứu kỹ. Về vấn đề xử lý rác thải Nam Sơn, Hà Nội đã và đang xây dựng nhà máy điện rác xử lý 4.000 tấn/ngày nhưng do Covid-19 nên chậm.

Về vấn đề người dân, thì TP đặc biệt quan tâm, ưu tiên chế độ có lợi nhất cho người dân để xử lý dứt điểm vấn đề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thông tin: Kết quả đấu thầu cho nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã tiết kiểm hơn 14.000 tỉ đồng và đang được triển khai gấp rút. Vấn đề cần làm hiện nay là nghiên cứu bổ cập nước lại cho sông Tô Lịch.

Minh Châu

Minh Châu