Châu Âu nỗ lực cắt giảm 60% lượng phát thải khí nhà kính
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 02:00, 22/11/2020
Nhằm đưa lượng khí thải về 0 vào năm 2050, EU đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 là cắt giảm 40% lượng khí thải, so với mức của năm 1990. Năm 2050 là mốc thời gian chung của EU và nếu một số nước thành viên lùi thời hạn đạt mục tiêu cắt giảm khí thải thì các quốc gia khác phải đạt được mục tiêu này sớm hơn. Với lộ trình này, EU sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đưa lượng khí thải về 0. Vì vậy, Chủ tịch EC U.Lây-en đã đề xuất mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải của EU vào năm 2030. Bộ trưởng Môi trường của các nước EU gần đây cũng khẳng định lại cam kết phối hợp và tiến hành các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu mà EC đưa ra. Với 352 phiếu thuận, 326 phiếu chống và 18 phiếu trắng, EP đã thông qua mục tiêu cao hơn, cắt giảm ít nhất 60% lượng khí thải vào năm 2030.
Được thông qua với tỷ lệ sít sao, có thể thấy, mục tiêu cắt giảm khí thải vẫn gây bất đồng giữa các nhà lập pháp của EP. Một số nhà lập pháp đã hoan nghênh quyết định này; nhấn mạnh, nỗ lực này không chỉ đem lại tác động tích cực với môi trường mà còn tạo cơ hội giúp EU phục hồi kinh tế với mức tăng trưởng bền vững hơn. Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường cũng ca ngợi cuộc bỏ phiếu của EP là một “chiến thắng” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho rằng, quyết định EP đã đưa ra quan điểm tiến bộ hơn so với đề xuất trước đó của EC. Trước đó, WWF và các tổ chức phi chính phủ khác đã kêu gọi EU cắt giảm ít nhất 65% lượng khí thải vào năm 2030.
Một nhà máy sản xuất than cốc
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp châu Âu cho rằng, mục tiêu cắt giảm 60% lượng khí thải vào năm 2030 là “quá tham vọng” và sẽ đặt ra gánh nặng với nhiều ngành công nghiệp của châu Âu. Một số nhà lập pháp ủng hộ cắt giảm 55% lượng khí thải vì cho rằng đây là mục tiêu “khả thi nhất”, nhắc đến dự báo của EC về chi phí và lợi ích khi theo đuổi mục tiêu này. Theo dự báo được EC công bố tháng 9 vừa qua, việc cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 là “có thể đạt được” và “có lợi” cho nền kinh tế EU. Một số nhà lập pháp đã kêu gọi các nước thành viên EU ủng hộ đề xuất ban đầu của EC với lý do mục tiêu ở mức 55% là “thực tế” và cũng đủ “tham vọng”.
Sau khi được EP thông qua, mục tiêu cắt giảm khí thải sẽ được 27 nước thành viên EU tiến hành thảo luận. Trong một lá thư chung, 11 nước thành viên EU đã bày tỏ ủng hộ cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải vào năm 2030. Trong khi đó, một số nước vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng từ than đá, cho rằng không thể thực hiện mục tiêu nêu trên và phản đối cam kết giảm khí thải mới. Do đó, EU cần tính tới phương án một số nước phải vượt cam kết đặt ra thì mục tiêu cắt giảm khí thải chung của khối mới có thể đạt được.
Các nhà lãnh đạo EU mới đây thông báo sẽ đưa ra quyết định về mục tiêu cắt giảm khí thải tại Hội nghị cấp cao EU dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới, nhằm có thêm thời gian thống nhất quan điểm chung. Với mong muốn thông qua mục tiêu cắt giảm khí thải vào cuối năm nay, các nước thành viên EU cần sớm thu hẹp những bất đồng và xác định được mục tiêu chung, trong đó có tính tới hoàn cảnh cụ thể của từng nước, tính công bằng cũng như bảo đảm sự đoàn kết trong khối.
Thanh Hương