Giảm ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Sài Gòn
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:30, 20/11/2020
Theo kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), chất lượng nước sông Sài Gòn quan trắc năm đợt đầu năm 2020 có sự thay đổi rõ rệt từ thượng nguồn tới hạ nguồn. Có 24% giá trị chỉ số chất lượng nước (WQI) đạt mức sử dụng cho cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp. Đáng chú ý, có 1,3% giá trị ở mức nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.
Diễn biến chất lượng nước mặt sông Sài Gòn từ năm 2016 đến năm 2020 cho thấy hàm lượng ô nhiễm hữu cơ (COD và BOD5) không tăng nhiều, tuy nhiên tỷ số BOD5/COD có xu hướng tăng tại hầu hết các điểm quan trắc, chứng tỏ nguồn nước thải sinh hoạt kiểm soát chưa tốt. Điều này phù hợp thống kê mới có 21,6% nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý…
Thu gom rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (thuộc lưu vực sông Sài Gòn).
Thời gian qua, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề bức xúc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng nguồn nước trên lưu vực sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn chảy qua địa phận một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam (Bình Phước, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh), nơi tập trung rất nhiều cơ sở sản xuất, chăn nuôi, khu công nghiệp. Do số dân TP Hồ Chí Minh tập trung đông, lượng nước thải sinh hoạt rất lớn nhưng chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thành phố. Nước thải y tế chưa được thu gom, xử lý triệt để, nhất là nước thải ở các bệnh viện công; vấn đề thu gom, xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại; trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt trong khu vực dân cư; tràn dầu và các sự cố môi trường do hoạt động giao thông thủy; suy giảm diện tích rừng ngập mặn…
Để hạn chế tác động ô nhiễm môi trường trên sông Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành các hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm. Đến nay, tất cả 37 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng thành phố đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để hoặc đã di dời, ngưng hoạt động (đạt 100%), trong đó có 21 cơ sở đã ngưng hoạt động sản xuất, di dời và 16 cơ sở đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm. Đã nghiên cứu phân vùng chất lượng nước theo chỉ số WQI và đánh giá khả năng sử dụng các nguồn nước sông, kênh, rạch trên địa bàn. Triển khai thống kê dữ liệu các nguồn gây ô nhiễm từ nước thải công nghiệp trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và các quận 4, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp,… nhằm đánh giá và xác định sơ bộ mức độ ô nhiễm do nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (trong đó có lưu vực sông Sài Gòn). Thành phố cũng đã tổ chức điều tra, thống kê các điểm xả thải trực tiếp ra các kênh, rạch thuộc lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai; tính toán tải lượng ô nhiễm của các chất thải đổ vào các kênh, rạch thuộc lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai; lập bản đồ GIS quản lý, giám sát điểm xả thải trực tiếp ra các kênh, rạch thuộc lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai…
Phó Giám đốc Sở TN và MT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương, chương trình Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Tăng cường phổ biến chỉ số WQI trên hệ thống 48 bảng điện tử giao thông; tiếp tục duy trì hệ thống chạy trên nền tảng web bao gồm tất cả những thông tin chung và các số liệu của từng vị trí quan trắc; tích hợp lên cổng thông tin quan trắc môi trường và ứng dụng trên nền tảng di dộng có thể truy cập, truy xuất và theo dõi dữ liệu quan trắc môi trường thông qua điện thoại thông minh.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục rà soát, đề xuất danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Đồng thời, đôn đốc các cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm, hoặc di dời đúng thời hạn. Tiếp tục cập nhật dữ liệu vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu môi trường, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về môi trường.
UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các địa phương lân cận để thực hiện hiệu quả hoạt động giảm ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Sài Gòn. Theo đó, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước được phê duyệt tại Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19-6-2001 làm cơ sở pháp lý cho thành phố triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Đề nghị UBND các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An… tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, kiểm soát nguồn thải ra sông, kênh, rạch giáp ranh liên tỉnh…
Theo báo Nhân dân