Canh tác bền vững trong điều kiện thiếu nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:50, 23/03/2016
– Ngày Nước thế giới năm nay diễn ra đúng vào thời điểm nhiều địa phương thuộc Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải gồng mình chống chịu hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục trong nhiều năm qua.
Từ những ảnh hưởng nặng nề về sản xuất và đời sống do thiếu nước, câu chuyện quản lý bền vững tài nguyên nước và chuyển đổi hợp lý cơ cấu nông nghiệp được đặt ra vô cùng cấp thiết.
Đe dọa cuộc sống
Có lẽ chưa bao giờ những cụm từ “hạn hán”, “xâm nhập mặn” lại được nói đến nhiều như thời gian qua khi mà con số các tỉnh công bố tình trạng thiên tai tăng lên mỗi ngày. Trên bản đồ thiên tai, tại khu vực ĐBSCL, nơi sản xuất hơn một nửa sản lượng lúa gạo, tôm, trái cây và nhiều loại thủy sản khác của cả nước, màu đỏ đậm (biểu thị tình trạng xâm nhập mặn) đang có xu hướng ngày càng lan rộng. Thống kê cho thấy, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa trong khu vực này năm nay giảm từ 20 – 30% so với trung bình mọi năm khiến cho nguồn nước trong các ao, hồ, sông suối cạn kiệt. Đáng lo ngại, do thiếu nước ngọt, trong vụ Hè Thu năm nay, khả năng toàn vùng ĐBSCL có tới 500.000ha lúa không thể gieo cấy được hoặc phải lùi thời vụ.
Công nhân bảo dưỡng hệ thống Trạm bơm Đại Đông, thị trấn huyện Phú Xuyên. Ảnh: Trọng Tùng
Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai T.Ư, đến ngày 21/3, tại các tỉnh ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có hơn 420.000 hộ dân bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, trên 220.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại, tăng hàng chục ngàn héc ta so với ngày trước đó. Đặc biệt, hàng trăm ngàn hộ gia đình tại những khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Dù không căng thẳng như các tỉnh phía Nam, song ảnh hưởng của El Nino trên địa bàn Hà Nội cũng tác động không nhỏ tới sản xuất khi mà nhiều địa phương phải lùi thời vụ gieo cấy lúa Xuân tới ngày 5/3 thay vì khung thời vụ kết thúc trước 28/2 như kế hoạch ban đầu.
Hồ chứa suy kiệt
Trong bối cảnh hạn hán kéo dài, vai trò dự trữ nguồn nước của các sông ngòi, hồ chứa được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đáng lo là hiện nay nhiều hồ chứa đã… bất lực vì thiếu nguồn nước bổ sung. Đơn cử, như tại tỉnh Ninh Thuận, đến đầu năm 2016, tổng lượng nước các hồ chứa chỉ đạt dưới 40% dung tích thiết kế và hiện tại dung tích các hồ chỉ còn 25%. Với điều kiện nắng nóng như hiện nay, khả năng toàn bộ 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh sẽ bị cạn kiệt, ảnh hưởng toàn diện đến sản xuất và dân sinh. Hay tại tỉnh Đắk Lắk, tính đến giữa tháng 3, toàn tỉnh đã có 68 hồ hoàn toàn không có nước. Dự kiến cuối tháng 3, sẽ có khoảng 250 hồ chứa bị khô cạn, nhiều trạm bơm không có nguồn cấp nước.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện tại, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạt 30 – 50% dung tích thiết kế, một số hồ chứa lớn có dung tích trữ thấp dưới 20%. Bên cạnh đó, các hồ chứa thủy điện có dung tích trữ tương tự hoặc thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Tại ĐBSCL, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ gần 2 tháng. Đây là thời gian chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn.
Trên địa bàn Hà Nội, hiện có 95 hồ thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 29 hồ do TP quản lý, còn lại phân cấp cho địa phương đang được khai thác và sử dụng với tổng dung tích gần 200 triệu mét khối. Các hồ chứa có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho trên 18.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Số liệu quan trắc ngày 21/3 của Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho thấy, mực nước trung bình các hồ chứa trên địa bàn TP hiện đạt khoảng 47%. Tuy nhiên, dung tích trữ của một số hồ lớn đạt khá thấp như hồ Suối Hai (31%), hồ Đồng Mô (43%)… Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, việc hồ chứa xuống cấp về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới khả năng trữ nước từ hệ thống các sông, suối. Nếu không sớm được đầu tư nâng cấp, không loại trừ nguy cơ các hồ chứa sẽ bị cạn kiệt. Chính vì vậy, giải pháp lâu dài để ứng phó với hạn hán là rà soát quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp… thích ứng với thời tiết cực đoan và điều kiện nguồn nước. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng công trình, phi công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Điều chỉnh cơ cấu sản xuất
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp của nước ta. Phương thức sản xuất truyền thống xem ra đã không còn phù hợp, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi linh hoạt theo điều kiện thực tế. Trước diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn, từ tháng 10/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp trực tuyến với các địa phương để triển khai các giải pháp, hướng dẫn Nhân dân điều chỉnh thời vụ, cơ cấu sản xuất. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nông dân không tin là xâm nhập mặn có thể tiến sâu nên vẫn xuống giống, dẫn tới thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, biện pháp cần thực hiện ngay là điều chỉnh cơ cấu sản xuất, thay vì trồng cây cần nhiều nước thì chuyển sang trồng các loại cây cần ít nước hơn, thậm chí là phát triển chăn nuôi.
Nhằm giúp các địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014 – 2020 theo hướng khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, gắn với sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững. Theo đó, tại ĐBSCL, tập trung chuyển đổi mô hình chuyên lúa sang mô hình luân canh hai lúa – một màu, một lúa – hai màu, chuyên rau, màu và lúa – kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, chuyển đổi mô hình hai lúa sang trồng các loại rau, hoa, màu. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chuyển đổi trồng ba vụ lúa sang trồng màu xen giữa hai vụ lúa, mô hình một lúa thiếu nước, bấp bênh sang trồng cây rau, màu…
Tại Hà Nội, trong năm 2015, Sở NN&PTNT đã thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm nâng cao giá trị sản xuất và ứng phó linh hoạt trước sự ảnh hưởng của thời tiết, nhất là hiện tượng El Nino. Theo đó, TP sẽ thu hẹp diện tích trồng lúa nước quảng canh kém hiệu quả sang các vùng chuyên canh lúa hàng hóa tập trung đảm bảo năng suất, chất lượng. Như vậy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 40.300ha là các chân ruộng hai vụ lúa chất lượng cao và chủ động tưới tiêu tại các vùng liền thửa quy mô trên 100ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức…