Ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam (Bài 3): Những giải pháp khắc phục

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 13:00, 26/03/2021

Moitruong.net.vn – Ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Chính vì vậy, cần các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước kịp thời.

>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống

Trước tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước khá đa dạng, mà chủ yếu là các nguồn gây ô nhiễm như:

Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định nên hầu hết lượng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Thực trạng các doanh nghiệp chỉ xử lý nước thải tạm thời, đối phó vẫn còn tồn đọng.

Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp đã khiến cho nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư tập trung có hàm lượng hợp chất hữu cơ cao nhưng chưa được xử lý triệt để trước khi xả vào nguồn nước. Đồng thời, nhận thức của cộng đồng về BVMT chưa cao, ở nhiều nơi, người dân vẫn có thói quen dùng bồn chứa nước không an toàn và kém vệ sinh như bể xi măng, chum, vại…

Người dân thu gom rác thải dưới mương nước

Cách khắc phục ô nhiễm môi trường do các yếu tố kể trên yêu cầu đặt ra là phải có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài và điều quan trọng nhất là cần là có sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó:

Quy hoạch hệ thống cấp nước và tiêu nước cho các vùng nuôi tôm nên được tách riêng ra khỏi những khu canh tác lúa, đặc biệt là hệ thống lấy nước cấp cho các khu nuôi.
Cần tiến hành xử lý nguồn nước thải từ các ao nuôi trước khi thải ra môi trường.

Có thể ứng dụng các kỹ thuật xử lý nước thải sau nuôi tôm bằng biện pháp xử lý sinh học như dùng các loài nhiễm thể hai mảnh vỏ lọ bỏ các chất hữu cơ trong nước thải tại các ao chứa nước thải và có thể tái sử dụng nguồn nước này cấp lại cho các ao nuôi.

Lượng bùn sên vét đáy cào ao nuôi cần được xử lý làm phân bón vi sinh học được chôn lấp, không được để tràn tự nhiên ra môi trường.

Các biện pháp thuỷ lợi nhằm giảm ô nhiễm nguồn nước.

Thiết kế hệ thống cấp nước, tiêu nước cho các khu nuôi thuỷ sản đáp ứng đủ yêu cầu cấp nước và kênh tiêu phải tách rời khỏi kênh lấy nước.

Thiết kế, xây dựng hệ thống cống lấy nước và lọc phù sa đáp ứng tiêu chuẩn nuôi trồng để tôm có thể phát triển tốt trong môi trường nước được cấp.

Hệ thống kênh dẫn, kênh tiêu đào đắp đi qua vùng đất phèn cần lựa chọn các giải pháp hợp lý để hạn chế quá trình oxy hoá các vật liệu sinh phèn gây chua cho các vùng xung quanh và nguồn nước phía hạ lưu.

Xây dựng chế độ tưới, tiêu hợp lý cho các vùng quy hoạch sản xuất lúa, vùng nuôi thuỷ sản, xây dựng quy trình đóng mở cống ngăn mặn hợp lý đáp ứng yêu cầu: Lấy nước mặn, ngăn mặn, xả phèn và trữ ngọt.

Quản lý nước trong hệ thống kênh mương nội đồng cần phải được tính toán theo chế độ rửa, chế độ tưới cho các loại cây trồng, cho từng loại đất và hướng dẫn người dân cách thức vận hành quản lý nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao về hệ số sử dụng nước và giảm mức độ gây ô nhiễm môi trường hoặc gây lãng phí nguồn nước.

Xây dựng các tổ dùng nước nhằm sử dụng hợp ý, có hiệu quả nguồn nước tưới tạo điều kiện tốt cho việc quản lý tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm và các hộ gia đình học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật canh tác, nuôi trồng cũng như kỹ thuật sử dụng nguồn nước cho thuỷ sản.

Lập các chương trình dự báo về diễn biến môi trường nước trong các vùng bố trí quy hoạch nuôi thuỷ sản, trồng lúa theo các phương án thiết kế hệ thống công trình thuỷ lợi.

Các biện pháp trong nông nghiệp

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho từng tiểu vùng cần phải xét đến tính phù hợp về điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác, nguồn nước cấp, mức tăng trưởng dân số trong những năm tới.

Các vùng đất trũng, phèn nặng cần xây dựng các hồ sinh thái phát triển tổng hợp: Phát triển thuỷ sản, lấy nước tưới vào thời kỳ hạn và sử dụng nước sinh hoạt.

Thiết kế, quy hoạch của các ngành như nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, thuỷ sản, xây dựng nên được xét đồng bộ nhằm xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh, lâu dài, không chồng chéo để không xảy ra hiện tượng lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường.

Canh tác trên vùng đất phèn phải thực hiện theo các hướng dẫn kỹ thuật nhằm hạn chế sự xì phèn, tiêu thoát các độc tố từ trong đất ra nguồn nước mặt do quá trình thau rửa phèn.

Khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón vi sinh, sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ có thời gian phân giải ngắn.

Biện pháp quản lý và giáo dục cộng đồng

Cần có sự hợp tác toàn diện giữa Ban quản lý các dự án với các ban ngành có liên quan của địa phương bàn về vấn đề tổ chức thực hiện, về tiến độ thi công, về biện pháp thi công và về giám sát thi công công trình.

Giám sát việc thực thi các hạng mục công trình theo nội dung thiết kế, khi có các vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra cần đề xuất ngay các giải pháp cụ thể mang tính khả thi để khắc phục mà không phải chờ đợi kéo dài thời gian tăng thêm mức độ nghiêm trọng.

Thông báo cho người dân trong vùng dự án về những kế hoạch, tiến độ xây dựng các công trình và lợi ích của các công trình này đối với đời sống dân sinh kinh tế.

Tuyên truyền vận động quần chúng hưởng ứng các chương trình chống ô nhiễm môi trường nước: Không thải các chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và chất thải rắn xuống các kênh rạch.

Di rời các nhà ở phía lòng kênh vào phía trong để tránh hiện tượng xả thải xuống lòng kênh và tai nạn giao thông thuỷ.

Xây dựng các khu tái định cư cần phải bố trí hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải, xây dựng hệ thống nước cấp sinh hoạt.

Cần xây dựng kế hoạch thu thập, phân tích định kỳ về chất lượng nước trong vùng. Phân tích diễn biến về thành phần các loài sinh vật nước.

Giải pháp xây dựng hồ sinh thái cấp nước ngọt mùa khô phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hồ sinh thái (HST) nước ngọt là một khái niệm không mới ở các nước tiên tiến, nhưng rất mới ở nước ta, tiêu chí cơ bản của HST là hồ chứa nước sạch, không bị ô nhiễm, bền vững trong môi trường tự nhiên, có cây xanh, thảm cỏ ven bờ hồ, có nguồn cấp, có công trình xử lý nước vào và cấp nước.

Trong tương lai nên tìm giải pháp để có đất xây dựng khoảng 20 hồ sinh thái vùng ven biển (Vĩnh Lợi, Đông Hải) với tổng diện tích hồ vào khoảng 1000 ha, chúng ta sẽ có khoảng 50 đến 70 triệu m3 nước phục vụ cho đời sống, sản xuất và bảo vệ môi trường của vùng khan hiếm nước ngọt của tỉnh Bạc Liêu.

Nghiên cứu lựa chọn địa điểm để xây dựng một trung tâm chứa và xử lý rác thải riêng cho các hoạt động giao thông vận tải thủy.

Bắt buộc các tàu nhỏ có số nhân viên từ 3 người trở lên phải áp dụng những biện pháp quản lý rác thải bao gồm việc thu gom và phân loại như quy định của phụ lục V của Marpol.

Cấm đốt rác trên tàu khi tàu đang chạy, neo đậu hay nằm cầu trên toàn tuyến để hạn chế ô nhiễm không khí do khí thải và bay bụi từ việc đốt.

Áp dụng biện pháp tính phí “không phân biệt” – Bất cứ tàu nào ghé cảng đều phải trả phí thu gom rác dù có tạo ra rác hay không và đưa ra quy trình thông báo sử dụng thiết bị tiếp nhận rác của cảng. Muốn vậy thì cần phải thay đổi cách tính cảng phí để tích hợp loại phí thu gom rác vào và phải đầu tư các thiết bị tiếp nhận các loại rác khác nhau để thực thi công việc một cách linh hoạt và hiệu quả.

Người dân nâng cao ý thức về cách khắc phục ô nhiễm môi trường

Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác động của ô nhiễm nguồn nước đến môi trường cũng như sức khỏe của mỗi người. Người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, áp dụng những giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đơn giản nhất là vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, giáo dục cho các bé về những tác hại của ô nhiễm môi trường nước và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Cần hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa khi xử lý nghẹt cống thoát nước, vì như thế sẽ vô tình đưa vào môi trường một chất thải nguy hại mới, đồng thời cũng làm nguồn nước bị nhiễm độc. Thay vào đó, hãy áp dụng cách thông bồn cầu, cách xử lý ống thoát nước bị tắc bằng các chế phẩm sinh học như men vi sinh, phế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

Đối với các ban ngành, đoàn thể

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt phải thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp hơn.

Tại các khu du lịch, khu đông dân cư, tuyến đường lớn,… nên bổ sung thêm nhiều thùng rác và các nhà vệ sinh công cộng, tránh tình trạng người dân phóng uế mất vệ sinh hoặc vứt rác ra đường gây nghẹt cống thoát nước.

Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường và trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả cho các lực lượng này.

Cuối cùng, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.

Tóm lại, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn còn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Hãy hô vang khẩu hiệu “Vì môi trường xanh – sạch – đẹp” và cũng là vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như các thế hệ sau.

Châu Anh

Châu Anh