Lào Cai: Người dân khổ sở vì thiếu nước sạch sinh hoạt
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 05:00, 14/12/2018
– Nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình nước sạch nông thôn tại Lào Cai hoạt động không hiệu quả hoặc ngừng hoạt động là do mưa lũ nhiều dẫn đến sạt lở làm hỏng đường ống dẫn nước trong khi không có kinh phí duy tu, sửa chữa.
>>>Kiên Giang Tăng cường bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm
>>> Thừa Thiên – Huế: Sơ tán hàng trăm hộ dân trước khi xả lũ thủy điện Phong Điền
Nguyên nhân dẫn đến các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động là do phần lớn công trình được xây dựng từ lâu, nên việc khảo sát, thiết kế chưa tính đến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm giảm lưu lượng, dẫn đến công trình thiếu nguồn nước vào mùa khô.
Bên cạnh đó, do công tác quản lý, khai thác sử dụng của cộng đồng thôn, bản không chặt chẽ, những hư hỏng nhỏ không kịp thời sửa chữa dẫn đến công trình xuống cấp.
Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 mô hình khai thác, quản lý công trình, gồm cộng đồng, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tư nhân.
Trong tổng số 1.028 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hiện chỉ có 143 công trình thu được tiền sử dụng nước, chiếm tỷ lệ 13,9%, với mức thu bình quân từ 1.500 – 3.000 đồng/m3, còn lại 885 công trình không thu tiền nước theo quy định. Do phần lớn các công trình không thu đủ hoặc không thu được tiền sử dụng nước, nên gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động, nhất là chi thù lao cho người quản lý, vận hành, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng và thiếu nước.
Dự án (DA) cấp nước sinh hoạt thôn Đất Đèn + Tát 2 + Sơn Cánh xã Cam Đường, TP Lào Cai, do UBND xã Cam Đường làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư được quyết toán 2.881 tỷ đồng. Tháng 4/2015 công trình được đưa vào sử dụng (nguồn I thôn Đất Đèn + Tát 2), nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì công trình “hết nước”. Tháng 10/2015 đưa vào sử dụng (nguồn II thôn Sơn Cánh) nhưng không có giọt nước nào và DA “đắp chiếu” từ đó đến nay.
Kết luận thanh tra số 02/KL-TT ngày 10/5/2018 của Thanh tra tỉnh Lào Cai đã chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại trong việc đầu tư xây dựng DA này. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, UBND xã Cam Đường và Trưởng Ban quản lý DA là Chủ tịch xã Cam Đường giai đoạn 2011 – 2015.
DA cấp nước sinh hoạt thôn Đất Đèn + Tát 2 + Sơn Cánh xã Cam Đường, xây xong rồi “đắp chiếu” là do xác định điểm đầu tư (chọn nguồn nước), quy mô đầu tư, giải pháp xây dựng không phù hợp, chưa tham khảo ý kiến của nhân dân khi chọn địa điểm đầu tư dẫn đến việc đầu tư xong công trình không phát huy hiệu quả.
Tại huyện Bảo Yên, hiện có 118 công trình nước sạch nông thôn, trong đó chỉ có 40% công trình có hiệu quả, 60% công trình không hiệu quả và ngừng hoạt động.
Theo ông Vũ Thành Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên, nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình nước sạch nông thôn hoạt động không hiệu quả hoặc ngừng hoạt động là do mưa lũ nhiều dẫn đến sạt lở làm hỏng đường ống dẫn nước trong khi không có kinh phí duy tu, sửa chữa.
Trong những năm gần đây, khu vực nông thôn của tỉnh Lào Cai được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, đặc biệt là công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Và nước sạch là một trong những tiêu chí của xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng và bảo vệ công trình cấp nước bị bỏ ngỏ trong thời gian dài khiến nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, không thu được tiền sử dụng nước, không đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho nhân dân…
Minh An (T/h)