Hà Nội – Bài 2: Hơn 10 năm UBND huyện Gia Lâm vẫn loay hoay tìm cách xử lý vi phạm Công ty Trọng Phụng
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 16:12, 31/05/2021
Sai phạm 10 năm xử lý trên giấy
Trước đó, ngày 29/4/2021 Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã đăng tải bài viết: Gia Lâm (Hà Nội) – Bài 1: Ai đang “bảo kê” cho công ty CP Trọng Phụng ngang nhiên “xẻ thịt” đất trái phép, gây ô nhiễm môi trường?
Mặc dù, Công ty Trọng Phụng chỉ được thuê đất để trồng cây, kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái nhưng Công ty này lại tự ý biến tướng, xẻ thịt đất cho các đơn vị cá nhân, hoạt động gây ô nhiễm môi trường
Sau khi bài báo đăng tải, ngày 05/5/2021, UBND huyện Gia Lâm ban hành văn bản 1024/UBND –TN&MT về việc lập hồ sơ xử lý vi phạm trong sử dụng và quản lý đất công đối với công ty CP Trọng Phụng gửi các phòng: Kinh tế, TN&MT, UBND xã Đông Dư. Trong đó, yêu cầu phòng Tài nguyên và Môi trường giám sát việc triển khai của UBND xã Đông Dư về lập hồ sơ xử lý sai phạm, khắc phục tồn tại trong công tác quản lý đất công, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND huyện xử lý dứt điểm sai phạm theo quy định. Ngoài ra, UBND huyện cũng yêu cầu Phòng Kinh tế đánh giá việc thực hiện phương án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp kinh doanh dịch vụ và du lịch sinh thái khu đất Vậu – Bờ đầm sông Lòng Bống, thôn Thượng, xã Đông Dư được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 25/4/2021, tham mưu UBND huyện văn bản chỉ đạo UBND xã Đông Dư thanh lý hợp đồng, giao nhận mặt bằng khu đất với công ty CP Trọng Phụng, xong trước ngày 10/6/2021.
Cũng tại văn bản, yêu cầu UBND xã Đông Dư làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND huyện tại văn bản 1148/TB-UBND chỉ đạo sau họp giao ban tiến độ khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý đất đai, lập hồ sơ xử lý vi phạm báo cáo UBND huyện (qua phòng TNMT) xong trước ngày 10/6/2021.
Nhằm có thông tin đa chiều và làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm và các phòng ban chuyên môn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý những vi phạm của Công ty CP Trọng Phụng. Phóng viên Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với UBND huyện Gia Lâm.
>> Gia Lâm (Hà Nội) – Bài 1: Ai đang “bảo kê” cho Công ty CP Trọng Phụng ngang nhiên “xẻ thịt” đất trái phép, gây ô nhiễm môi trường?
Làm việc với PV, ông Nguyễn Tiến Hoàng – Trưởng phòng kinh tế huyện Gia Lâm cho biết: “Trong quá trình xây dựng phương án theo phê duyệt của UBND huyện, công ty Trọng Phụng đã xây dựng một số hạng mục không nằm trong phương án được phê duyệt: trạm trộn bê tông, nhà container và một số hạng mục khác. Đây cũng là một trong các đơn vị tồn tại vi phạm về đê điều trên địa bàn huyện. Hằng năm, UBND huyện đều có kế hoạch kiểm tra, lập biên bản xử lý yêu cầu công ty Trọng Phụng phải dừng hoạt động, khắc phục những vi phạm mới được phép hoạt động nhưng đến nay việc xử lý chưa được dứt điểm”.
Ông Nguyễn Tiến Hoàng – Trưởng phòng kinh tế huyện Gia Lâm cho biết: “Hằng năm, UBND huyện đều có kế hoạch kiểm tra, lập biên bản xử lý yêu cầu công ty Trọng Phụng phải dừng hoạt động, nhưng đến nay việc xử lý chưa được dứt điểm”
Được biết, ngày 1/7/2020, phòng Kinh tế có báo cáo kết quả kiểm tra phương án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng về Công ty Trọng Phụng gửi UBND huyện Gia Lâm. Theo báo cáo, các hạng mục được phép đầu tư theo Quyết định số 803/QĐ – UBND ngày 25/4/2011 gồm 09 hạng mục. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra hiện trạng Công ty Trọng Phụng đang xây dựng 12 hạng mục, nhiều hạng mục vượt diện tích và sử dụng sai mục đích.
Cụ thể: Các hạng mục công trình vượt diện tích được duyệt: Nhà lưới trồng hoa vượt diện tích 397m2 sử dụng sai mục đích làm kho; Nhà chế biến nông sản vượt diện tích 724m2 sử dụng sai mục đích làm kho; Nhà kho + nhà nghỉ cho người lao động vượt diện tích 250m2 sử dụng sai mục đích làm kho; Nhà giới thiệu sản phẩm vượt diện tích 77m2 sử dụng sai mục đích làm kho; Nhà quản lý điều hành vượt diện tích 88m2; Nhà đón tiếp khách vượt diện tích 32m2.
Các hạng mục không có trong phương án được phê duyệt: Trạm trộn asphalt diện tích 150m2; Lán đỗ xe diện tích 100m2; Nhà tạm container diện tích 138,5m2, trạm trộn bê tông diện tích 176m2.
Căn cứ vào các vi phạm trên và đề xuất của phòng Kinh tế, ngày 1/7/2020 UBND huyện Gia Lâm có văn bản số 1832/UBND – KT gửi UBND xã Đông Dư về việc khắc phục các vi phạm tại phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã Đông Dư. Công văn nêu: Giao UBND xã Đông Dư yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng nội dung phương án được UBND huyện phê duyệt; Tháo dỡ các hạng mục vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại phương án xong trước ngày 15/7/2020. Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành, thực hiện xử lý công trình vi phạm theo quy định.
Trạm bê tông Asphalt đang hoạt động trái phép trên đất của Công ty CP Trọng Phụng, liên tục xả khí thải khét lẹt và bụi ra môi trường, bị người dân kiến nghị nhiều lần nhưng chính quyền không vào cuộc xử lý dứt điểm
Tuy nhiên, được biết không chỉ năm 2020 mà những năm trước đó gần như năm nào các phòng ban của huyện Gia Lâm đều kiểm tra, tham mưu đề xuất UBND huyện Gia Lâm ban hành những văn bản với nội dung tương tự như trên. Thế nhưng, đến nay việc xử lý dứt điểm các hạnh mục sai phạm về đất đai, môi trường, xây dựng, tài nguyên nước vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tiếp tục trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Bình – Phó Trưởng phòng TNMT huyện Gia Lâm cho biết: “Sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, ngày 5/5/2021, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo giao cho các phòng, ban chuyên môn của huyện và UBND xã Đông Dư kiểm tra, xử lý vi phạm của công ty Trọng Phụng. Yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND huyện tại văn bản số 1148 về họp giao ban tiến độ trong công tác quản lý đất đai, lập hồ sơ xử lý vi phạm, báo cáo UBND huyện xong trước ngày 10/6/2021. Phòng TNMT đang làm báo cáo gửi UBND thành phố và Ban tuyên giáo Thành ủy”.
Mặc dù, UBND huyện Gia Lâm đủ thẩm quyền xử lý sai phạm Công ty CP Trọng Phụng nhưng ông Nguyễn Đình Bình – Phó Trưởng phòng TNMT huyện Gia Lâm luôn đẩy trách nhiệm cho UBND xã Đông Dư
Cũng theo ông Bình: Muốn lập hồ sơ xử lý vi phạm và ban hành quyết định xử lý vi phạm thì trước tiên UBND xã là đơn vị cơ sở phải lập hồ sơ kiểm tra, xác minh, lập biên bản xử lý vi phạm, xem xét thuộc thẩm quyền của xã, huyện hay Thành phố để chuyển hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý cưỡng chế.
Theo quy trình, hồ sơ xử lý vi phạm thì xã Đông Dư và huyện Gia Lâm đều nắm rất rõ, năm nào cũng thực hiện, khép hồ sơ rất đầy đủ. Lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động không biết bao nhiêu lần, quy trình vòng tròn, luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại hết năm nay qua năm khác cho đến nay đã được 10 năm. Mười năm tương ứng với 2 nhiệm kì Chủ tịch, nhưng vì sao sai phạm của Công ty Trọng Phụng vẫn tồn tại, vẫn ung dung hoạt động, coi thường, bất chấp các quy định của pháp luật. Các văn từ huyện Gia Lâm đến xã Đông Dư ban hành đều không được thực thi, có lẽ chính vì điều này đã khiến công ty Trọng Phụng “nhờn luật” và coi những văn bản đó chỉ như một trang giấy trắng không có nội dung và pháp luật thi hành.
Liên quan đến việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường của công ty Trọng Phụng, bà Lê Thị Tuyết Mai – Chuyên viên phòng TNMT huyện Gia Lâm cho biết: “Do công ty Trọng Phụng sai phạm về đất đai nên không được UBND huyện xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường, UBND huyện đã xử phạt công ty Trọng Phụng về hoạt động của trạm trộn bê tông còn đối với chi tiết các đơn vị liên kết thuê đất, UBND huyện chưa kiểm tra, xử phạt”.
Năm nào UBND huyện Gia Lâm cũng đến kiểm tra Công ty CP Trọng Phụng, nhưng theo bà Lê Thị Tuyết Mai – Chuyên viên phòng TNMT huyện Gia Lâm cho biết: Công ty này liên kết với ai để sản xuất bê tông thì huyện cũng không biết
Khi PV đề nghị bà Mai cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường của công ty Trọng Phụng mà PV đã gửi UBND huyện, thì được bà Mai khẳng định trong ngày mai (14/5/2021) tôi sẽ tổng hợp và cung cấp cho cơ quan báo chí”. Nhưng thực tế, sau nhiều lần PV liên hệ, đề nghị bà Mai cung cấp các hồ sơ, tài liệu nhưng không nhận được sự phản hồi.
Trước đó, PV đã đặt lịch làm việc với Lãnh đạo huyện Ủy Gia Lâm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các sai phạm đối với công ty CP Trọng Phụng, nhưng từ đó đến nay không thấy lãnh đạo huyện Ủy bố trí làm việc với PV.
Công an huyện Gia Lâm đã làm hết trách nhiệm?
Trước việc công ty CP Trọng Phụng hoạt động vi phạm Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước… nhiều năm, thì lực lượng công an huyện Gia Lâm có phát hiện, kiểm tra và tham mưu cho lãnh đạo xử lý công ty CP Trọng Phụng?.
Trao đổi với PV, ông Phan Trạc Tuấn – Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế – Môi trường huyện Gia Lâm cho biết: “Trước tiên Ban chỉ huy công an huyện Gia Lâm rất cám ơn những thông tin mà Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã phản ánh những sai phạm của công ty CP Trọng Phụng vừa qua. Trong quá trình quản lý, thực hiện công tác nghiệp vụ hằng năm công an huyện đều kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do phòng Tài nguyên môi trường làm trưởng đoàn kiểm tra việc chấp hành Luật BVMT của công ty Trọng Phụng. Về việc xử phạt công an huyện chỉ đề xuất UBND huyện xử lý vì thẩm quyền xử phạt của công an có hạn”.
Ông Nguyễn Trạc Tuấn – Đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế – môi trường Công an huyện Gia Lâm cho biết:”hằng năm công an huyện đều kiến nghị UBND huyện Gia Lâm xử lý công ty CP Trọng Phụng”.
“Ngoài tham mưu xử phạt vi phạm hành chính, công an huyện Gia Lâm cũng đã tham mưu cho UBND huyện Gia Lâm đổ 2 cọc bê tông cứng để yêu cầu công ty Trọng Phụng dừng hoạt động, sau đó xã, huyện đã cho lập barie. Các văn bản tham mưu, hồ sơ xử lý vi phạm công ty Trọng Phụng do đồng chí cán bộ phụ trách đang đi làm công tác phòng chống dịch lưu giữ, khi nào đồng chí trở lại làm việc tôi sẽ gửi cơ quan báo chí”, ông Tuấn cho hay.
Theo thẩm quyền, tại điểm a, khoản 4, điều 49, chương III, nghị định 155/2016/NĐ-CP trưởng công an huyện được xử phạt đến 25 triệu đồng. Việc công an huyện Gia Lâm kiểm tra nhưng chưa bao giờ ban hành quyết định xử phạt đối với vi phạm về môi trường của công ty Trọng Phụng liệu đã làm hết trách nhiệm?.
Khi PV đặt câu hỏi, theo thẩm quyền công an huyện đã bao giờ có báo cáo tới lãnh đạo Công an Thành phố để kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường đối với công ty CP Trọng Phụng hay chưa? Ông Tuấn cho rằng, vi phạm của công ty CP Trọng Phụng thuộc thẩm quyền huyện Gia Lâm giải quyết nên chưa báo công an thành phố về việc này.
Không những Công ty Trọng Phụng cho các trạm bê tông thuê hoạt động gây ô nhiễm môi trường, mà Công ty còn cho các công ty khác thuê để sản xuất nhôm kính
Được biết, công ty Trọng Phụng đang trình hồ sơ xin thành phố đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích làm bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng. Từ việc công ty Trọng Phụng hoạt động trái phép, vi phạm Luật đất đai, xây dựng, môi trường nhiều năm qua, UBND Tp. Hà Nội cần cân nhắc, xem xét kĩ lưỡng đề xuất của các Sở ban ngành đối với công ty CP Trọng Phụng.
Ngoài ra, theo tìm hiểu, đầu năm 2021 Thanh tra thành phố Hà Nội đã thanh tra công ty Trọng Phụng nhưng chưa có kết luận, UBND huyện Gia Lâm và dư luận đang chờ đợi kết luận xử lý dứt điểm sai phạm của Thanh tra thành phố đối với Công ty Trọng Phụng, có như vậy pháp luật mới được thực thi.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Đại Cát – Thùy Dương