Nhiệt điện than Việt Nam (Bài 3): Tìm giải pháp cho vấn đề môi trường
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 07:00, 11/06/2021
Nhiệt điện than cần có những giải pháp căn cơ cho vấn đề môi trường.
Theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng cho thấy, xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm tới (2021-2030) nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh, bổ sung khoảng 17 GW công suất điện mới vào hệ thống điện Quốc gia.
Cụ thể, về chương trình phát triển nguồn điện, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2GW (trong đó nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).
Năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW. Trong đó nhiệt điện than 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%, thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%.
Như vậy, trong giai đoạn đến năm 2030 và các năm sau, nguồn nhiệt điện than chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn điện, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội. Bộ Công Thương cho rằng, việc phát triển các nguồn điện than trong thời gian tới là cần thiết nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển, giá điện phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và thu nhập người dân. Dự kiến trong giai đoạn tới, mỗi năm hệ thống cần bổ sung 8.000 MW đến 10.000 MW thì nhiệt điện than cần bổ sung từ 3.200 MW đến 4.500 MW.
Trong báo cáo đề cập, năm 2018, lượng tro, xỉ, phát sinh từ các NMNĐ khoảng 13 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 65% tổng lượng thải), miền Trung chiếm 21% và miền Nam chiếm 14% tổng lượng thải. Lượng tro xỉ tiêu thụ đạt khoảng hơn 5,06 triệu tấn, chiếm khoảng 38,9% lượng phát sinh, trong đó miền Bắc tiêu thụ khoảng 3,6 triệu tấn chiếm 71,1% (tổng lượng tiêu thụ).
Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nếu không xử lý được tro, xỉ thải, dự kiến đến năm 2030 sẽ có 422 triệu tấn tro xỉ tồn đọng. Mặc dù vấn đề tro xỉ nhiệt điện than hiện nay rất nóng, nhưng việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng tro xỉ của các cơ quan chức năng còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu.
Xử lý tro, xỉ nhà máy nhiệt điện
Việc đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ tro xỉ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tận dụng nguồn nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), công trình giao thông, thiết thực bảo vệ môi trường.
Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đánh giá, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc xử lý, tiêu thụ tro xỉ vẫn chưa đạt mục tiêu, lượng tro xỉ tại bãi chứa còn rất lớn và tiếp tục tăng cao; nhiều bãi thải hết khả năng lưu chứa trong một vài năm tới. Ðể khắc phục hạn chế và đẩy nhanh việc xử lý, tiêu thụ tro xỉ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 08/CT-TTg về tăng cường xử lý, sử dụng, tiêu thụ tro xỉ; yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo, nghiên cứu các ứng dụng mới đối với sử dụng tro xỉ; bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng; các nhà máy xi-măng, trạm nghiền xi sử dụng làm phụ gia,…
Ðồng thời, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn việc đồng xử lý tro xỉ trong sản xuất VLXD, coi đây là quá trình xử lý tro xỉ; giám sát, thanh tra về bảo vệ môi trường, thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ưu tiên, hỗ trợ việc nghiên cứu sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu phục vụ các lĩnh vực sản xuất. Các địa phương cũng ưu tiên đề tài nghiên cứu sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng; khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xử lý, sử dụng tro xỉ, có chính sách khuyến khích xử lý tro xỉ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xử lý, sử dụng tro xỉ tiếp cận nguồn phát thải,… Chủ cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm xử lý, tiêu thụ tro xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất, có giải pháp hữu hiệu thực hiện cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Khai thác nguồn năng lượng tái tạo
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris.
Bên cạnh đó, phát triển nhiệt điện với tỷ trọng cao sẽ gia tăng phụ thuộc nguồn than, khí nhập khẩu và đặt ra rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khi đó, tiềm năng của năng lượng tái tạo vẫn chưa được Việt Nam khai thác tối đa. Điện gió ngoài khơi cũng chưa được triển khai và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này cũng khá đa dạng, đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong nước.
Ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng cũng chia sẻ, dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã chú ý đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững khi lần đầu tiên lượng hóa được các ô nhiễm thành tiền. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn đang xoay quanh việc phát triển điện than. Việc tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ chủ yếu sử dụng than nhập khẩu.
“Vậy tại sao lại không phát triển các dạng năng lượng khác thay thế than, trong khi tiềm năng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam là rất lớn”, ông Lâm đặt vấn đề.
Ở chiều ngược lại, PGS. TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng, thời gian qua, nhiều ý kiến lo ngại, việc phát triển các dự án điện than sẽ khiến lượng tro xỉ, tro bay, khí độc hại… gây ảnh hưởng môi trường, người dân xung quanh dự án. Tuy nhiên phải khẳng định, hiện nay, các dự án nhiệt điện than đều có công nghệ xử lý môi trường tốt và luôn đạt chuẩn quản lý môi trường quốc gia.
Công nghệ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã phát triển và tiến bộ vượt bậc, nhằm đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo về môi trường. Vì vậy, với công nghệ hiện đại của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay ngoài hiệu suất có thể lên đến trên 50%, tiêu hao ít nhiên liệu và tài nguyên thì công nghệ xử lý chất thải cuối nguồn cũng giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Lâm Hạnh