Hà Nội: Dự án Thùng rác công nghệ có ý nghĩa tốt trong công tác BVMT
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 02:09, 07/07/2021
Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội NS&MT Việt Nam trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống
PV: Thưa Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quang Huân, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa thực tiễn của việc xã hội hóa Dự án “Thùng rác công nghệ” đang được triển khai trên đường phố Hà Nội?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Theo tôi, đây là một ý tưởng tốt. Vì ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội có một vấn đề rất nan giải đó là rác thải. Nếu như chúng ta quản lý, thu gom và xử lý rác thải đô thị tốt thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn nạn này, vừa là biến rác thành tài nguyên theo đúng tinh thần của Nghị quyết 55, lại vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Mô hình thùng rác công nghệ được lắp đặt trên các tuyến phố đã góp phần tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác, để rác đúng nơi quy định. Việc xã hội hóa cũng rất tốt, giúp giảm gánh nặng lên ngân sách của Trung ương và Thành phố Hà Nội. Bởi kinh tế tư nhân sẽ trở thành một động lực quan trọng của nền Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta quản lý, khai thác sử dụng mô hình này như thế nào để đạt hiệu quả trong thực tế. Bởi vì từ cái ý tưởng, tư tưởng tốt đấy mà nếu chúng ta quản lý không tốt thì hiệu quả sẽ không được như kỳ vọng, mà ngược lại có thể gây lãng phí xã hội, vì đầu tư, dù là tư nhân hay Nhà nước thì cũng đều từ nguồn lực xã hội, nếu chúng ta vận hành hệ thống này không hiệu quả, một vài năm là hỏng hóc thì chắc chắn là lãng phí cho xã hội.
Nhiều điểm đặt thùng rác công nghệ biến tướng thành điểm chân rác gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị
PV: Sau hơn một năm thí điểm, mô hình thùng rác công nghệ trên đường phố Hà Nội đã xuất hiện thực trạng hư hỏng, thùng rác bị úp ngược hoặc tháo rời chỉ còn biển quảng cáo, bị biến tướng thành điểm chân rác gây mất vệ sinh môi trường, ông nghĩ gì về thực trạng này?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Rõ ràng vẫn còn nhiều bất cập khi triển khai thùng rác công nghệ trong thực tế, một phần là do chưa tuyên truyền rõ về đối tượng sử dụng. Nếu người dân lầm tưởng đó là điểm để rác sinh hoạt thì sẽ vượt quá công suất của thùng rác, biến thành điểm để rác mất vệ sinh. Những hộ dân ở gần những thùng rác công nghệ này sẽ phải hứng chịu mùi xú uế và mất mỹ quan. Như vậy không khác gì lập một điểm trung chuyển rác trong đô thị mà không nằm trong quy hoạch.
Việc kết hợp quảng cáo với thùng rác là tốt rồi, nhưng nếu chỉ đầu tư một lần để thu quảng cáo, không tái đầu tư để cải tạo nâng cấp, sửa chữa thì những thùng rác này qua vài năm sẽ không phát huy được hiệu quả. Đặc biệt là không có người giám sát thường xuyên thì việc hỏng hóc, tồn đọng rác thải rất dễ xảy ra như chúng ta đã thấy trong thực tế. Việc đó không khác gì “đánh trống bỏ dùi”, như nhiều dự án khác, chúng ta cứ đầu tư nhưng không quản lý vận hành thì công trình đó sẽ không thể tồn tại bền vững được.
>> Xem thêm:Thấy gì từ Dự án thùng rác công nghệ trên đường phố Hà Nội?
PV: Theo ông, làm thế nào để mô hình thùng rác công nghệ thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Quan điểm của tôi, đầu tiên là phải truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, để toàn bộ hệ thống từ người quản lý đến người dân đều thấy được sự cần thiết của hệ thống thùng rác này. Đặc biệt là ở những đô thị lớn như Hà Nội, vấn đề xả rác thải bừa bãi luôn gây nhức nhối và chưa có một giải pháp hiệu quả nào cho vấn đề này.
Thứ hai, cần có quy định về đối tượng sử dụng thùng rác công nghệ, loại rác thải nào thì được bỏ vào đây. Nếu chúng ta không quy định rõ thì một lượng rác thải sinh hoạt lớn từ nhà dân sẽ vượt quá công suất của thùng rác, biến điểm đặt thùng rác công nghệ thành điểm chân rác gây mất vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Thứ ba, chủ đầu tư của dự án thùng rác công nghệ này cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, từ chính quyền địa phương, công ty môi trường, tổ dân phố,… để quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống thùng rác cho hiệu quả. Lên kế hoạch cụ thể thời gian thu gom, vệ sinh điểm đặt thùng rác, đồng thời tái đầu tư để cải tạo nâng cấp khi thùng rác bị hỏng.
Thứ tư, cần xem xét lại thiết kế và vị trí đặt những thùng rác công nghệ này sao cho phù hợp với thực tế. Ví dụ như chất liệu, kích thước thùng rác cần làm tốt hơn để đáp ứng mục đích chính là chứa rác và có thể sử dụng được lâu dài, tránh lãng phí, bảo vệ môi trường.
Nhiều thùng rác công nghệ trơ trọi chỉ còn phần quảng cáo
PV: Ngoài mô hình thùng rác công nghệ, ông có kiến nghị gì để cải thiện vấn đề thu gom rác thải tại các đô thị hiện nay?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Quan trọng nhất là nâng cao ý thức con người thông qua giáo dục từ gia đình, xã hội về việc để rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn. Nếu như chúng ta không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng rác thải nhựa thì chắc chắn việc thu gom, xử lý rác thải tại các đô thị lớn sẽ được giảm tải áp lực hơn rất nhiều. Khi nhận thức của người dân đi trước, hạ tầng theo sau thì việc triển khai thực hiện các mô hình sẽ đồng bộ, hiệu quả hơn.
Có một thực trạng bất cập hiện nay đó là dù người dân có ý thức phân loại rác thải nhưng khi cho lên xe rác lại để chung rồi đem đi xử lý, như vậy chúng ta chưa thực hiện được hiệu quả việc thu gom, phân loại rác thải, biến rác thải thành tài nguyên. Ở các nước phát triển trên Thế giới, phương tiện thiết bị thu gom, thùng chứa rác được nghiên cứu rất kỹ để phù hợp với từng điều kiện khác nhau. Các thùng rác được phân biệt bằng màu sắc rõ ràng, đồng bộ và khi đưa lên xe rác cũng được chứa ở các ngăn khác nhau để đưa đi tái chế, tái sử dụng.
Thời gian qua cũng có rất nhiều chương trình, phong trào kêu gọi người dân phân loại rác thải, hạn chế xả rác thải nhựa, khuyến khích tái chế, tái sử dụng các loại rác thải. Đó đều là những chương trình có ý nghĩa, tuy nhiên việc khơi dậy phong trào rồi lại để phong trào lắng xuống thì rõ ràng là không có hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Để các phong trào được hiệu quả thì cần theo dõi, đánh giá kỹ kết quả đạt được, nếu phong trào tốt thì cần nhân rộng trong cộng đồng để khơi dậy trong người dân ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường chung.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông! Chúc ông luôn mạnh khỏe và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ môi trường!
Thế Đoàn