TP. Hồ Chí Minh: Rác thải y tế đã tăng bình quân 69 tấn/ngày
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 05:30, 22/07/2021
Cụ thể, tổng phương tiện vận chuyển trên 95 xe các loại với 417 công nhân tham gia trong quá trình thu gom. Thời gian và số lần thu gom phụ thuộc vào tình hình thực tế tại các cơ sở thông qua việc trao đổi thông tin giữa hai bên. Đặc biệt, có những cơ sở một ngày thu gom 5-6 lần.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã điều phối 4 đơn vị tham gia vào công tác này, gồm: Công ty Môi trường Đô thị Thành phố, Công ty Việt Úc, Công ty Mộc An Châu, Công ty Sài Gòn Xanh để tham gia xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế phát sinh từ các bệnh viện dã chiến, khu cách ly.
Ảnh minh họa
Trong thời gian qua, tại một số BV điều trị COVID-19 có phản ánh việc thu gom vận chuyển rác gặp khó khăn. Cụ thể, quá trình thu gom rác gồm 2 công đoạn. Thứ nhất các thùng rác được bố trí ở các phòng điều trị hoặc phòng ở của khu cách ly.
Sau đó thì nhân viên của các bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly sẽ vận chuyển các thùng chứa xuống tầng trệt để các đội vệ sinh chuyển vào xe đưa đi. Ban đầu, việc tổ chức này có nhiều hạn chế nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp trực tiếp với giám đốc bệnh viện để phối hợp để xử lý. Đến nay tất cả các hạn chế đã được khắc phục.
Trong thời gian tới, UBND TP sẽ cho phép thực hiện cách ly F1, F0 tại địa phương. Để chuẩn bị cho việc này thì Sở Tài nguyên Môi trường đã có văn bản để chuyển về cho các quận, huyện và TP Thủ Đức để chủ động trong các trường hợp, thực hiện phân loại và xử lý rác thải đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Đơn vị thu gom hiện nay của tất cả đơn vị, quận, huyện và TP Thủ Đức đang được hướng dẫn quy trình để tổ chức thu gom đúng quy định hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế, Sở Tài nguyên Môi trường.
Viên Minh