Vì sao đường dây nóng xử lý thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường chưa hiệu quả?
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:00, 24/02/2022
Ảnh minh họa.
Hiệu quả đường dây nóng… chưa thực sự “nóng”
Đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau hơn 3 năm thiết lập và vận hành đường dây nóng về ô nhiễm môi trường, hiệu quả giải quyết dứt điểm các vấn đề ô nhiễm được phản ánh qua hệ thống đường dây nóng ở một số địa phương vẫn còn thấp, đa phần mới dừng lại ở mức “xử lý thông tin.”
Dẫn báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTNMT ngày 10/10/2017 về việc “tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng,” đại diện Tổng cục Môi trường cho biết hơn 3 năm qua, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Tổng cục và Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 4.149 thông tin từ các tổ chức, cá nhân phản ánh với 3.918 vụ việc về ô nhiễm môi trường.
Qua công tác tiếp nhận, xác minh, các vụ việc ô nhiễm môi trường được phản ánh thông qua đường dây nóng và qua phương tiện truyền thông, báo chí – ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ các vụ việc được xác minh, xử lý cũng tăng dần theo thời gian.
Cụ thể, trong năm 2018, tỷ lệ vụ việc được xác minh là 54%, xử lý 43%. Năm 2020, tỷ lệ vụ việc được xác minh và xử lý đã được nâng lên lần lượt là 79% và 71%. Đến nay, tỷ lệ vụ việc được xác minh đã đạt 98%, tỷ lệ xử lý đạt 93%.
Tuy vậy, thực tế triển khai hệ thống đường dây nóng từ cấp Trung ương đến địa phương vẫn còn một số hạn chế như: Việc thiết lập, tổ chức đường dây nóng tại các địa phương chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đầu mối; nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin, ghi sổ nhật ký, gây khó khăn cho công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Việc công bố, công khai thông tin, kết quả xử lý cũng chưa được kịp thời. Hiệu quả giải quyết dứt điểm các vấn đề ô nhiễm môi trường được phản ánh qua đường dây nóng ở một số địa phương còn thấp, đa phần mới dừng lại ở mức xử lý thông tin, chưa chú trọng xử lý vụ việc, dẫn đến một số vụ việc chưa được xử lý thỏa đáng, người dân tiếp tục phản ánh lại nhiều lần, giảm hiệu quả đường dây nóng.
Nâng cao chất lượng
Thời gian tới, Tổng cục Môi trường tiếp tục kiện toàn, mở rộng phạm vi hoạt động của đường dây nóng của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua việc thống nhất thiết lập một đầu số điện thoại di động và email dùng riêng cho đường dây nóng, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của cơ quan để đảm bảo việc tiếp nhận thông tin ổn định, thông suốt 24/7, tạo điều kiện thuận lợi cho người cung cấp thông tin cũng như việc chuyển thông tin từ Trung ương đến địa phương thông qua sử dụng tổng đài ảo hoặc dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi.
Đường dây nóng (điện thoại và email đường dây nóng) được mở rộng tối thiểu đến cấp huyện, giao Phòng Tài nguyên và Môi trường quản lý, vận hành và căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, có thể thiết lập đường dây nóng đến cấp xã. Việc này đảm bảo công tác tiếp nhận, xác minh thông tin được kịp thời, hiệu quả, tránh việc chuyển thông tin đề nghị xác minh qua nhiều cấp và thực hiện bằng văn bản gây mất thời gian.
Phương thức cung cấp và tiếp nhận thông tin cũng được mở rộng thêm qua phần mềm được cài đặt trên các thiết bị di động, qua trang thông tin điện tử… giúp người dân có thể cung cấp thông tin, chứng cứ vi phạm bằng hình ảnh trực tiếp một cách thuận tiện, dễ dàng. Cán bộ trực đường dây nóng có thể tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường, giúp nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng.
Cùng đó, Tổng cục sẽ đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng về môi trường. Cụ thể, tổ chức tập huấn cho các đối tượng liên quan, triển khai hiệu quả Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường; tiếp tục kiện toàn và vận hành hiệu quả đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ T.Ư đến địa phương (cấp huyện) trên phạm vi cả nước để kịp thời nắm bắt thông tin, phục vụ xử lý, giải quyết những vấn đề môi trường phát sinh ngay từ cơ sở. Ngoài ra, chủ động rà soát, nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường trên các phương tiện truyền thông, báo chí.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả đề ra, cũng rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh triệt để, giúp môi trường sống của người dân trong lành, xanh-sạch-đẹp.
Linh Hân