Quảng Nam: Ô nhiễm nguồn nước từ nuôi trồng thủy sản ở huyện Núi Thành
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:00, 20/04/2022
Theo quan sát, hàng trăm ao nuôi tại thôn Hà Quang-xã Tam Tiến, huyện Núi Thành đều xả trực tiếp ra sông và biển. Vì sao người nuôi không mấy quan tâm hệ thống xả thải? Nhiều hộ nuôi tôm phân trần, xây dựng bể xử lý nước thải đâu có đơn giản vì vừa tốn kém tiền bạc vừa không tìm được vị trí thuận lợi. Trong trường hợp hộ này đầu tư bể xử lý nước thải nhưng hộ khác lại xả nước chưa qua xử lý ra môi trường thì cũng bằng không. Nguồn nước ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cũng như bệnh tật của tôm. Nghịch lý là, hằng ngày nước trong ao ô nhiễm xả ra biển rồi lại lấy nước từ biển vào phục vụ nuôi tôm.
Nhiều hồ tôm xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên-Môi trường Quảng Nam), do các ao nuôi liền kề nhau, vùng nuôi tự phát trước đây không xây dựng bể lắng lọc để xử lý nguồn nước thải, trong khi phương án bảo vệ môi trường các địa phương triển khai chậm. Phần lớn sản phẩm dư thừa trong nuôi tôm đã tích tụ dưới đáy ao. Đây chính là nguồn gây nguy hại cho con tôm. Lớp bùn đáy ao này rất độc, thiếu ôxy và chứa nhiều chất độc như ammonia, nitrite, hydrogen sulfie động lên nước trong ao nuôi làm suy giảm chất lượng nước.
Trong khi đó, môi trường bên ngoài ao nuôi, chất thải dơ bẩn thường không được quản lý chặt chẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái ven biển. Việc tái sử dụng ao bị ô nhiễm hay xả thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh sẽ tạo điều kiện làm cho nguồn nước ô nhiễm gia tăng. Theo đánh giá quan trắc nguồn nước sông Trường Giang, có nhiều khu vực bị ô nhiễm là nguyên nhân làm phát sinh và lây lan dịch bệnh cho tôm, cá. Mặt khác, nguồn nước ngầm mạch nông tại một số khu vực nuôi tôm trên cát đã bị nhiễm mặn, vi sinh, chất hữu cơ. Hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển nghèo nàn là hệ lụy không giữ và làm sạch được nguồn nước.
Theo Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Núi Thành, trong năm 2021, cơ quan chuyên môn tổ chức 3 đợt quan trắc tại ao nuôi tôm xã Tam Tiến và xã Tam Hòa. Kết quả cho thấy hầu hết chỉ số như nồng độ BOD, NH3, H2S, Nitrit, kiềm, Coliform đều vượt từ 1 đến hàng chục lần mức tiêu chuẩn.
So sánh kết quả quan trắc nước thải nuôi trồng thủy sản năm 2021 tại huyện Núi Thành từ năm 2016 đến 2020 cho thấy: Hàm lượng TSS tăng cao ở cả 2 điểm thu mẫu vào các năm 2018, 2019, vượt 2 đến 6 lần so với quy chuẩn; đến năm 2020 có xu hướng giảm. Hàm lượng BOD có xu hướng tăng đều qua các năm 2017 – 2020.
Hầu hết kết quả các đợt quan trắc của cơ quan chuyên môn tại ao nuôi tôm huyện Núi Thành đều vượt quy chuẩn từ 2 đến 3 lần; tuy nhiên có giảm mạnh vào cuối năm 2021 dưới giới hạn cho phép.
Nồng độ NH3 hầu hết đợt thu mẫu tại 2 vị trí quan trắc qua các năm đều vượt quy chuẩn nhiều lần và ổn định ở mức cao, chưa có xu hướng giảm. Thông số H2S có xu hướng giảm dần qua các năm nhưng vẫn vượt giới hạn cho phép ở một số đợt quan trắc. Các thông số DO, độ trong, độ muối, kim loại Pb trong nước nuôi trồng thủy sản tương đối ít biến động qua các đợt quan trắc.
Một hồ nuôi tôm ở Núi Thành. Ảnh: Văn Phin
Bà Bùi Thị Hồng – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Núi Thành cho biết, nước thải nuôi trồng thủy sản hầu hết chưa được xử lý trước khi đổ ra môi trường khiến chất lượng nước sông tại vũng An Hòa, sông Trường Giang đoạn từ xã Tam Tiến về phía Cửa Lở, cửa An Hòa là đối tượng bị tác động chính.
Qua kết quả quan trắc năm 2021 cho thấy nước thải từ nuôi trồng thủy sản có nồng độ các chỉ tiêu TSS, BOD5, NH3, H2S cao sẽ làm gia tăng độ đục, nồng độ các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ trong nguồn nước tiếp nhận gây nên tình trạng phú dưỡng và tác động đến các loài thủy sinh vật, đặc biệt là cỏ biển, các loài cây ngập mặn và nguồn lợi thủy sản tại khu vực sông Trường Giang, vũng An Hòa.
Theo UBND huyện Núi Thành, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện diễn ra lâu nay, tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư dẫn đến nước thải từ hoạt động này không xử lý đạt quy chuẩn và đổ trực tiếp ra sông. Các sông bị ảnh hưởng bởi nước thải là Trường Giang, sông Tam Kỳ, vũng An Hòa… trên địa bàn các xã Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Hải.
“Huyện đang có giải pháp căn cơ để xử lý nước thải từ nuôi trồng thủy sản. Mỗi hộ nuôi trồng thủy sản phải có hệ thống xử lý nước thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát, hạn chế nguy cơ tăng ô nhiễm môi trường nước, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững” – bà Bùi Thị Hồng nói.
Vũ Thành