Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị (Bài 1): Liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 13:00, 23/05/2022
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn tại công trình nhà ở, gây thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Hiện trường đám cháy tại xưởng gỗ dán (công ty TNHH Hải Nam có địa chỉ tại Thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn gây tổn thất lớn tại Hà Nội
Chỉ chưa đầy 1 tuần cuối tháng 4, Hà Nội liên tiếp xảy ra 4 vụ cháy, 6 người thiệt mạng. Trong đó, ngày 25, 26, 27 đều xảy ra hỏa hoạn, có vụ cháy lớn lan ra gần chục nhà.
Ngày 1/5, khoảng 4h13, vụ cháy xảy ra tại xưởng gỗ dán (công ty TNHH Hải Nam có địa chỉ tại Thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
Nhận được tin báo, Lực lượng PCCC và CNCH đã điều động điều động 11 xe chữa cháy cùng hơn 80 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường triển khai chữa cháy.
Khu vực xảy cháy là xưởng gỗ dán của Công ty TNHH Hải Nam với quy mô 1 tầng với kết cấu khung thép, mái tôn.
Nhận định tình hình đám cháy diễn biến phức tạp do chất cháy chủ yếu là các nguyên liệu dễ bắt cháy, vận tốc cháy lan nhanh, chỉ huy chữa cháy đã quyết định triển khai các mũi tấn công để chữa cháy và ngăn cháy lan sang các khu vực lân cận, đồng thời chỉ đạo các lực lượng Công an xã, Đội cảnh sát Giao thông, trật tự và các lực lượng chức năng… tổ chức phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự khu vực xảy cháy.
Đến khoảng 5h10, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã cơ bản khống chế được đám cháy, ngăn chặn không để cháy lan sang nhà dân và các khu vực lân cận. Hiện tại, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn đang nỗ lực triển khai tổ chức chữa cháy trong khu vực đám cháy đã được khoanh vùng.
Ngày 2/5, vào hồi 8h35, xảy ra vụ cháy trên diện tích gần 300m2 tại hộ sản xuất, kinh doanh chăn ga, gối đệm ở Đội 7, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.
Lực lượng PCCC và CNCH đã điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường và đến 9h35 cùng ngày đã dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để cháy lan sang các hộ kinh doanh và nhà dân lân cận. Vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Ngày 27/4, khoảng hơn 2h sáng, đám cháy bùng lên từ một cửa hàng bán lốp xe trên đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
Cửa hàng lốp xe chỉ 35m2, nhưng do chứa nhiều chất dễ cháy, ngọn lửa nhanh chóng lan ra và thiêu rụi gần chục nhà xung quanh. Phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ chữa cháy xuyên đêm, lực lượng cứu hỏa mới dập tắt được đám cháy.
Trước đó 1 ngày, trưa 26/4, một vụ cháy xảy ra tại 1 nhà ở kết hợp kinh doanh trên phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Căn nhà chứa nhiều thiết bị điện và đồ gia dụng. Rất may mắn là lực lượng chức năng đã kịp thời cứu được 2 cụ già trên 90 tuổi và 2 cháu nhỏ từ tầng 2 của ngôi nhà.
Chiều 25/4, ngọn lửa bùng lên tại 1 xưởng may rộng 300m2 tại xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức. Do nhà xưởng chứa nhiều vải may mặc nên đám cháy lan nhanh, phát sinh nhiều khói khí độc. Vụ cháy khiến người con trai của chủ xưởng may này thiệt mạng.
Ngày 21/4, vụ cháy thương tâm nhất xảy ra khi 5 người trong 1 gia đình tử vong trong căn nhà ở khu tập thể cũ phường Kim Liên, quận Đống Đa.
Dù đám cháy không lớn, nhanh chóng được dập tắt, tuy nhiên do căn nhà dạng nhà ống nhỏ không có đường thoát nhiệt, khói bốc nhanh dẫn hậu quả làm 5 người chết và 2 người bị thương.
Ngày 19/4, khoảng 13h, vụ cháy xảy ra tại quán bún chả ở số nhà 75 Nguyễn Hoàng, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Nhận được tin báo, lực lượng PCCC và CNCH, Công an thành phố Hà Nội đã điều 2 xe cứu hỏa cùng hàng chục chiến sĩ tới hiện trường. Căn nhà xảy ra cháy có một tầng và 1 tum là một cơ sở kinh doanh bún chả.
Khi ngọn lửa bùng lên nhanh, khói đen bốc cao hàng chục mét, nhiều người phía trong và ở các căn hộ bên cạnh hoảng hốt tháo chạy ra ngoài.
Đến khoảng 13h30 cùng ngày, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn, không xảy ra thương vong. Nguyên nhân vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
Vụ cháy chiều 7/5/2021 đã thiêu trụi hoàn toàn căn nhà trên đường Lạc Long Quân, quận 11, TP Hồ Chí Minh và làm chết 8 người
Qúy I năm 2022: Tại TP Hồ Chí Minh trung bình 2 ngày/vụ cháy
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hồ Chí Minh, trong quý I-2022 trên địa bàn TPHCM xảy ra 48 vụ cháy, tính trung bình khoảng 2 ngày xảy ra 1 vụ. Trong số này có 2 vụ cháy lớn, 22 vụ cháy trung bình và 24 vụ cháy nhỏ, ngoài thiệt hại về TS, vật chất đã làm 4 người bị thương.
Qua đó cho thấy một thực tế là công tác an toàn PCCC vô cùng quan trọng, luôn cần nâng cao về ý thức. Chỉ cần một vụ cháy vừa chớm, mới phát sinh nhưng ngay lập tức được dập tắt sẽ tránh dẫn đến hậu quả lan rộng, đe dọa về người và TS, rất cần mọi người cảnh giác, lưu tâm.
Bên cạnh công tác PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – CATP trong 3 tháng đầu năm đã tiếp nhận, xử lý 43 vụ tai nạn và các sự cố. Ngay khi nhận được thông tin, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH lập tức xuất quân cùng phương tiện ứng cứu kịp thời, với 17 người được đưa ra khỏi nơi nguy hiểm đồng thời tìm được 7 thi thể nạn nhân.
Lực lượng PCCC và CNCH khẩn trương dập tắt đám cháy tại hộ sản xuất chăn ga, gối đệm ở huyện Thường Tín. Ảnh: TTXVN
Đặc điểm các vụ cháy nổ
Thứ nhất, các vụ cháy gây chết người thường hay xảy ra vào ban đêm như: Vụ cháy xảy ra rạng sáng 5/6/2021 tại căn nhà buôn bán đồ điện số 812 Quang Trung, thành phố Quảng Ngãi, làm 04 người trong một gia đình thiệt mạng gồm chồng, người vợ đang mang thai 6 tháng và 02 con nhỏ; chưa đầy hai tuần sau một vụ cháy tương tự cũng vào rạng sáng ngày 15/6/2021 tại ngôi nhà dùng làm phòng trà, số 146 đường Đinh Công Tráng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An làm 06 người chết, khi lực lượng chữa cháy tiếp cận thì cả 4 người trong gia đình vẫn nằm trên giường đã tử vong, không có biểu hiện của việc phát hiện ra cháy. Hay trước đó là vụ cháy vào khoảng 01 giờ sáng ngày 30/3/2021 tại căn nhà số 899 đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh làm chết 06 người, chỉ 01 người sống sót nhờ lực lượng chữa cháy phá tường cứu thoát kịp thời.
Có thể thấy những vụ cháy xảy ra vào ban đêm đã gây ra những hiểm họa thật khôn lường, vì trong lúc con người đang ngủ hầu như không thể nhận biết được, chưa kể thời điểm ngủ say, phòng bật máy lạnh đóng kín cửa thì càng không thể phát hiện ra có cháy; khói, khí độc từ đám cháy len lỏi vào phòng, cơ thể hít phải sẽ bị ngạt, lịm dần đi và dẫn đến tử vong. Nghiên cứu cho thấy trong sản phẩm cháy có nhiều khí độc hại có thể gây nguy hiểm cho hô hấp của con người như: Cacbonôxít(CO), Cacbonđiôxit(CO2), Lưu huỳnh điôxit(SO2), Nitơ ôxit(NO), Nitơ điôxit(NO2), Hiđrôclorua(HCl), Hiđrôxianua(HCN), Hiđrôsunphua(H2S)…, trong đó nguy hiểm nhất là khí CO chỉ với nồng độ 0,05% đã gây nguy hiểm với sự sống của con người, nếu 0,4% sẽ bị chết trong thời gian 05 phút, từ 8 – 10% con người nhanh chóng mất cảm giác và chết. Điều này giải thích vì sao khi xảy ra cháy nếu các gia đình không có phương án tự thoát nạn kịp thời thì khi lực lượng cứu hộ đến nơi đều đã quá trễ.
Thứ hai, cháy mặc dù xảy ra vào ban ngày, mọi người trong nhà sau đó đều nhận biết được nhưng do sản xuất, kinh doanh trữ chứa nhiều hàng hóa, các chất dễ cháy có tốc độ lan truyền quá nhanh nên đã không kịp thoát. Điển hình cho tai nạn kinh hoàng này chính vụ cháy tại ngôi nhà 03 tầng ở phường 1, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 17 giờ ngày 7/5/2021; căn nhà được kết hợp làm nơi sản xuất keo sáp, đèn cầy chứa nhiều dung môi hóa chất dễ cháy, sự việc xảy ra ngay khi một người sơ xuất làm đổ thùng hóa chất gặp nguồn lửa từ bếp khiến đám cháy nhanh chóng bùng lên và lan ra toàn bộ gian nhà; hơi nóng, khí độc xộc lên các tầng làm 08 người phải thiệt mạng vì không kịp thoát thân.
Thứ ba, đối với nhà nhiều tầng đám cháy thường xảy ra tại tầng trệt; đây là khu vực dễ xảy ra cháy nhất vì là nơi sinh hoạt hàng ngày, đun nấu, thắp hương thờ cùng (bàn thờ Thổ Địa, Thần Tài); nơi chứa nhiều thiết điện được sử dụng thường xuyên; đặc biệt đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thì bao giờ cũng tận dụng tối đa mặt bằng để bày, bán, trữ chứa hàng hóa, thiết bị máy móc, thậm chí xếp cả trên hành lang, cầu thang, chỉ để một lối đi hẹp vào phía bên trong nhà; đường điện câu kéo phục vụ sản xuất, kinh doanh muôn thì hình vạn trạng, không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, các hộ gia đình ở đô thị hầu như đều để các phương tiện như xe máy, ô tô ở tầng trệt, phòng khách, trong nhiều vụ cháy nguyên nhân đã phát sinh từ chính các phương tiện này.
Khi đám cháy phát sinh ở tầng trệt, ngọn lửa cùng với khói, khí độc sẽ nhanh chóng chặn lối ra duy nhất, nếu không còn lối ra nào khác thì các nạn nhân khó thoát khỏi cái chết. Điển hình là vụ cháy vào sáng ngày 4/4/2021 tại căn nhà 4 tầng kinh doanh bỉm sữa ở 311 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội; mặc dù lực lượng chữa cháy đã có mặt khá kịp thời nhưng vẫn không thể cứu được các nạn nhân; 04 thi thể được tìm thấy trong tình trạng đã cố tìm cách thoát ra từ tầng tum nhưng lối ra đã bịt kín bằng khung sắt kiên cố.
Thứ tư, qua thống kê các vụ cháy nhà ở phần lớn phát sinh từ hệ thống điện. Đây chính là nguyên nhân gây cháy khó kiểm soát nhất bởi nhu cầu sử dụng điện là không thể thiếu, nó luôn thường trực; đáng chú ý các thiết bị điện ở trạng thái cấp nguồn 24/24 giờ (tủ lạnh, đèn thờ, máy đun nước, mô tơ cửa, thiết bị điện thông minh…) hoặc do thói quen sử dụng không ngắt hoàn toàn thiết bị ra khỏi nguồn điện (ti vi, máy lạnh…), quá trình sử dụng đến một thời điểm nào đó thiết bị bị lão hóa, xuống cấp hư hỏng dẫn đến phát sinh sự cố cháy, nổ.